Quyền uy Hồi giáo và Nhà nước ở Brunei Darussalam

Dominik M. Müller

Tới một cấp độ không thể sánh được trong khu vực, Hồi giáo hóa chính trị 1 ở Brunei Darussalam là lĩnh vực độc quyền của Nhà nước. Bộ máy quan liêu tôn giáo ở Brunei độc quyền đối với truyền thông công cộng về Hồi giáo. Không có nhóm đối lập thế tục hay Hồi giáo có tổ chức nào có thể công khai thách thức lập trường tôn giáo của Nhà nước hậu thuộc địa này. Việc ra những quyết định Hồi giáo chỉ diễn ra giữa các cơ quan Nhà nước, sau cánh cửa đóng kín. Không hề có tổ chức Hồi giáo ngoài Nhà nước, không có các học giả tôn giáo (ulama) độc lập, hoặc không có ấn phẩm Hồi giáo nào mà “không được kiểm soát”. Ulama Brunei đơn giản là các viên chức Nhà nước.

Trong tuyên ngôn độc lập năm 1984, Sultan (Đức Vua) Hassanal Bolkiah tuyên bố Brunei “mãi mãi là một Nước Quân chủ Hồi giáo Malay độc lập, dân chủ và có chủ quyền, dựa trên học thuyết Hồi giáo (Sunni)”. 2  Ngài xem Brunei là một Nhà nước “không thế tục” (non-secular). Khái niệm  về nhà nước “dân chủ” này gây tranh cãi, vì Brunei chưa bao giờ có bầu cử phổ thông, không có nghị viện, không có phe đối lập có tổ chức, và bị quản lý bởi một nội các do Nhà Vua bổ nhiệm. Ngài có toàn quyền, theo Hiến pháp, ngài “không thể sai lầm” (Điều 84B), Ngài là Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và Thương mại, là Tư lệnh cảnh sát và quân đội, là “người đứng đầu quốc giáo” (Điều 3(2)), tức Hồi giáo, và được xem là “Phó Vương của Thánh Allah trên trái đất” (khalifah), và là “lãnh tụ của các tín đồ” (ulil amri).

Năm 2004, Hội đồng Lập pháp (Legislative Council, LegCo) được tái lập sau khi hội đồng tiền thân của nó bị giải thể vào năm 1983. Một số người xem hội động này  chỉ là “làm cảnh”, vì phần lớn thành viên của nó là do bổ nhiệm và nó không có quyền lực. Một số xem đây là một bước đi có kiểm soát hướng đến một văn hóa chính trị mới về sự tham gia của công chúng. Nền văn hóa như vậy không tồn tại kể từ cuộc nổi dậy ngắn ngủi năm 1962, sau đó là vài thập niên thiết quân luật. Giờ đây người dân có thể nêu lên mối lo ngại với các thành viên Hội đồng, những người này họp bàn hàng năm. Hội đồng cũng “phê chuẩn” ngân sách chính phủ.

Đóng vai trò quan trọng tối cao là hệ tư tưởng dân tộc chính thống của Brunei, đó là tư tưởng “Quân chủ Hồi giáo Malay” (Malay Islamic Monarchy, Melayu Islam Beraja, MIB). Tư tưởng này đề cao tộc Malay (M), Hồi giáo (Islam, I), và nền quân chủ (B) như là cốt lõi của bản sắc dân tộc. Đáp lại phê phán rằng MIB chỉ là một“truyền thống được phát minh ra” (invented tradition), các học giả Brunei – những người có nghĩa vụ xiển dương MIB – thừa nhận cụm từ viết tắt ấy mới xuất hiện thôi nhưng nó phản ánh bản chất của nền“văn hóa Brunei” vốn tồn tại hàng thế kỷ (Mohd Zain 1996:45; Müller 2015:315).

MIB ngày càng định chế hóa. Ủy ban Khái niệm MIB (MIB Concept Committee) thành lập năm 1986, sau này gọi là Hội đồng Tối cao MIB (MIB Supreme Council). Năm 1990, Chính phủ thành lập Học viện Nghiên cứu Brunei (Academy of Brunei Studies, APB), học viện này được đặt tại Đại học Brunei Darussalam và hoạt động như là Ban thư ký của Hội đồng Tối cao MIB. Học viện Nghiên cứu Bruneilà cơ quan chủ yếu sản xuất tri thức về MIB. Nó tuyên truyền về MIB ở ba cấp: trường phổ thông, đại học, và công chúng. Các lớp MIB là bắt buộc trong trường phổ thông, cao đẳng, và đại học. Không thể tốt nghiệp nếu không qua được kỳ thi các môn MIB. Báo chí thường xuyên viện dẫn MIB, các sự kiện công chúng được thiết kế để phục vụ cho MIB. Ví dụ, các cuộc thi nghệ thuật hay thơ ca tuân theo khuôn mẫu ái quốc MIB, và sinh viên ở hải ngoại được hướng dẫn phải “duy trì những giá trị của MIB”. 3 Việc MIB đặt trọng tâm vào phẩm chất công dân tốt và các chuẩn mực của sự thể hiện nơi công cộng được chủ quan hóa một cách sâu sắc trong xã hội, và bất kể các cá nhân có ý kiến như thế nào về MIB thì chúng được giấu trong “những diễn ngôn ngầm” (hidden transcripts, Scott 1990). Tuy thế, ngay cả quan chức MIB cũng thường rỉ tai nhau chuyện tiếu lâm về các loại nghĩa của cụm từ viết tắt MIB. Có những tra vấn nghiêm túc về khái niệm ấy trên không gian mạng mặc dù còn hiếm hoi (Müller 2010:157).

 Những Công cụ Pháp chế và Định chế cho việc Điều hành Hồi giáo-MIB

Lịch sử chính sách Hồi giáo hóa ở Brunei là lịch sử củng cố độc quyền của Nhà nước trong việc định nghĩa nội dung và vạch lằn ranh đỏ cho các học thuyết và thực hành Hồi giáo. “Phong trào Hồi giáo” có tổ chức – chủ đề của số đặc biệt này – hiếm khi xuất hiện, ít nhất không trong bối cảnh đối lập hoặc phi chính phủ, mặc dù có những cá nhân có cảm tình với các tổ chức dân quân ngoại quốc (chẳng hạnJamaah Islamiyah) và thành viên của các nhóm Hồi giáo phi bạo lực nhưng bất hợp pháp (như al-Arqam ở Malaysia) đã bị bắt trong quá khứ. Nếu “chủ nghĩa Hồi giáo” (Islamism) có nghĩa là một hệ tư tưởng chính trị và là một dự án xã hội khát vọng sử dụng nhà nước và bộ máy pháp chế của nó để Hồi giáo hóa xã hội từ bên trên, cùng với những nỗ lực giáo dục, thì chính là Nhà nước Brunei đã và đang làm điều này một cách đầy nhiệt huyết từ thập niên 1980.

Sultan Hassanal Bolkiah on a poster in the capital Bandar Seri Begawan.

Trước khi bị thuộc địa, bên cạnh luật tục, Brunei đã có một bộ luật có tính cách Hồi giáo. Trong thời kỳ thuộc Anh (1906–1959, chịu sự bảo hộ từ 1888), các viên chức thuộc địa cố vấn cho các đời vua về việc “hiện đại hóa” bộ máy quản lý tôn giáo theo hướng định chế hóa và luật hóa có hệ thống theo cách hiểu của Anh về xây dựng nhà nước và tư duy pháp quyền. Kết quả là ra đời một loạt bộ luật, bắt đầu từ Bộ Luật Mohammed năm 1912 và hình thành các định chế mới. Dù là  có sự đa dạng thì luật Hồi giáo trở nên thu hẹp vào lĩnh vực gia đình và cá nhân, mặc dầu một số tội được định nghĩa theo tôn giáo vẫn bị trừng phạt. Quyền lực của các nhà vua bị giới hạn vào hoạt động tôn giáo và tập tục, nhưng các vị vua đã sử dụng những công việc ấy để củng cố vị thế và quyền lực biểu tượng của mình. Năm 1959, Brunei về cơ bản trở thành độc lập trong lĩnh vực đối nội. Hiến pháp 1959 nhấn mạnh đặc tính “Hồi giáo” và “Malay” của quốc gia. Hiến pháp không đề cập đến quyền cá nhân, ngoại trừ quyền “thực hành tôn giáo … trong hòa bình và hài hòa” (Điều 3).

Một cách nghịch lý, nền tảng thuộc địa trong quản lý tôn giáo đã cung cấp “ngôn ngữ định chế” cho chính sách Hồi giáo hóa hậu thuộc địa mang tính giải phóng. Đó là những bộ luật Hồi giáo mới, và việc mở rộng ảnh hưởng cũng như sự khác biệt hóa chức năng của bộ máy hành chính tôn giáo. Năm 1990, một nhóm công tác rà soát các bộ luật hiện có sao cho để chúng “khớp với đường lối Hồi giáo” (Müller 2015:321). Sự rà soát này hướng đến các bộ luật chịu ảnh hưởng của Anh quốc vốn đang tồn tại song song với Luật Syariah trong một hệ thống nhị nguyên. Năm 1991 và 1992, việc bán rượu và thịt lợn bị cấm. Bộ máy quan liêu ngày càng nhạy cảm với những vi phạm mà các Mufti (học giả Hồi giáo) Nhà nước xem là “chệch hướng” khỏi “Hồi giáo chân chính”, bắt đầu bằng việc cấm đạo Bahai (Müller 2015:328) rồi tiếp theo là mở rộng danh mục “những bài giảng lệch lạc”. Cùng với việc đảm bảo để không có chỗ cho các diễn ngôn Hồi giáo phi nhà nước, bộ máy quan liêu nỗ lực “thanh tẩy” văn hóa Hồi giáo-Malay khỏi những yếu tố “tà giáo” (Müller 2015:327 và tiếp theo). Xác định và đấu tranh với mọi điều “sai trái” là hoạt động trung tâm của bộ máy, kèm theo là các hoạt động xã hội và từ thiện, tuyên truyền, xây dựng và bảo dưỡng thánh đường, chủ trì các lễ thuyết giảng thứ Sáu và tổ chức hành hương về Mecca. Những cơ quan có ảnh hưởng bao gồm Vụ Mufti (Giáo sĩ) Nhà nước (State Mufti Department) thuộc Bộ Tôn giáo, Trung tâm Islamic Da’wah, và  Cơ quan Aqidah (Ban Giám sát Giáo lý, Doctrine Control Section). Hội đồng Tôn giáo (Religious Council, MUIB) là “cơ quan chủ chốt” (chief authority) về công tác Hồi giáo trực thuộc Nhà Vua, có sứ mạng tư vấn cho Nhà Vua. Các Mufti (Giáo sĩ) lãnh đạo Ủy ban Pháp chế của Hội đồng này. Các “luật lệ” của Hội đồng (một thuật ngữ tiếng Anh sử dụng trong luật pháp Brunei để dịch thuật ngữ fatwa) là bắt buộc đối với mọi người Hồi giáo (Shafi’i) sống ở Brunei” một khi Đức Vua hay MUIB ra lệnh sự xuất bản của họ trên công báo. Hồi giáo Nhà nước theo dòng Sunni Shafi’i, kỳ vọng mọi tín đồ Hồi giáo Brunei tuân theo.

Bộ máy quan liêu hướng tới việc thực hiện nguyên tắc Hồi giáo là “chỉ ra cái đúng nghiêm cấm cái sai”. Chẳng hạn, Cơ quan Aqidah (Ban Giám sát Giáo lý, Doctrine Control Section) biện minh cho hoạt động của mình dựa trên nguyên tắc này. Tổ chức tiền thân của nó thành lập năm 1986 sau khi có một vụ kiện về quyền “sở hữu”, vụ kiện này được cho là có nguyên nhân từ việc tư vấn có tính pháp thuật hoặc tâm linh (Müller 2015:328). Quyền lực của cơ quan này từng bước tăng lên. Nó thành lập những phòng ban bên trong nhằm vào những lệch lạc được phân loại cụ thể, cùng với hoạt động quản lý, nghiệp vụ và giám sát. Nó thúc đẩy tham gia của người dân, có đường điện thoại nóng 24/24, và duy trì một mạng lưới người cung cấp tin, tác giả bài này đã phỏng vấn hai thông tin viên vào năm 2017. Một biện pháp khác để củng cố quyền lực nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo là fatwa, những phán quyết mà chỉ những Mufti Nhà nước mới được phép ban hành. Các “fatwa” đối với những hành vi vi phạm có hiệu lực trừng phạt đến hai năm tù giam. “Chế giễu” hoặc “xúc phạm” các fatwa của Mufti sẽ bị phạt tù đến ba năm. Tuy nhiên, những án phạt như thế hiếm khi xảy ra, các trường hợp “lệch lạc” thường được giải quyết bên ngoài tòa án thông qua hoạt động “cảnh cáo” hoặc “tham vấn”.

Bước tiến gần đây nhất trong thể chế hóa Hồi giáo Nhà nước ở Brunei là ban hành Luật Hình sự Syariah 2013 (Syariah Penal Code Order 2013, SPCO). Chuẩn bị cho đạo luật này bắt đầu từ 1996, lần đầu tiên Nhà Vua thông báo năm 2011 và chính thức tuyên bố vào ngày 22/10/2013. Bộ Luật thực hiện theo ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất bắt đầu từ tháng 5/2014, bao gồm 55 “tội danh chung” (ta’zir). Những điều khoản trừng phạt hà khắc hơn (hudud,qisas) sẽ thực hiện trong giai đoạn hai và ba. Giai đoạn hai thực hiện 12 tháng sau khi Bộ Luật Tố tụng Hình sự Tòa án Syariah (Syariah Courts Criminal Procedure Code, CPC) có hiệu lực. Năm 2017, Bộ luật này được cho là đã trải qua “những sửa đổi cuối cùng” bởi Bộ Tôn giáo và Văn phòng Tổng Chưởng lý. Sau khi giai đoạn hai khởi động (12 tháng sau khi CPC có hiệu lực) thì giai đoạn ba sẽ bắt đầu sau đó 24 tháng. Sự thực hiện từng bước như vậy là “để công chúng và cơ quan thực thi pháp luật có thời gian chuẩn bị cho các bộ luật mới” (Brunei Times 2014).

Năm 2016, Đức Vua phê phán nặng nề Bộ Tôn giáo vì không hoàn thành được CPC khiến cho SPCO “như vô giá trị” (ngay sau đó Bộ trưởng Bộ này bị thay thế) (trích trong Müller 2017:213). Báo chí Nhà nước tiếp tục đề cập thường xuyên đến SPCO. Có lẽ người ta đã đánh giá thấp những thách thức đối với việc chuyển đổi căn bản các cấu trúc tư pháp và hành pháp. Bộ Luật hình sự cũ vẫn tiếp tục có hiệu lực, và cơ quan tư pháp dường như phải quyết định theo SPCO hay Luật Hình sự cho từng trường hợp cụ thể. Các chi tiết tố tụng vẫn còn phải được xác định trong CPC. Có vẻ như CPSO trước hết có chức năng biểu tượng. Các điều khoản luật đã có hiệu lực trong “giai đoạn một” mới chỉ được vận dụng trong một số ít trường hợp (Müller 2016:167; Müller 2017:204).

Việc Nhà Vua phê phán công khai việc CPC chậm hoàn thành minh họa cho việc trong điều kiện thiếu vắng một xã hội dân sự độc lập hay vắng sự đối lập thì Nhà vua đóng vai trò đó như thế nào hiện giờ. Đức Vua cũng quở trách bộ máy quan liêu quản lý tôn giáo của Ngài về tình trạng tuyên truyền Hồi giáo kém thành công (dakwah), và phê phán các hoạt động quan hệ công chúng của nguyên Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Tôn giáo (Müller 2017:203). Cũng ở những lĩnh vực khác, đáng chú ý nhất là những kêu gọi của ông về sự đa dạng hóa nền kinh tế, thì Nhà Vua là người phê bình sắc sảo nhất trong chính phủ của mình.  

Sultan Hassanal Bolkiah with the former President of the People’s Republic of China, Hu Jintao. Photo: Wikimedia

 Tầm nhìn 2035: Một “Quốc gia Luôn Nhớ về Đức Allah”

Nhà Vua đã tuyên bố những mục tiêu kinh tế đầy tham vọng với khẩu hiệu Wawasan 2035 (Tầm nhìn 2035). Điều đó gắn với một chủ điểm mới khác, Negara Zikir, một “quốc gia luôn nhớ về Đức Allah”. Phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt vẫn là một thách thức. Có một hy vọng vào “nền kinh tế Hồi giáo”. Nhưng năm 2014, 40% sinh viên tốt nghiệp Đại học Hồi giáo Sultan Sharif Ali Islamic University (UNISSA, thành lập từ 2007) không kiếm được việc làm (Müller 2017:204). Nhà Vua cho rằng SPCO có thể tạo ra việc làm mới. UNISSA có một chương trình đào tạo lồng ghép về Luật và Luật Syariah, mà khóa sinh viên đầu tiên đã tốt nghiệp năm 2016. Nhân dịp ấy, Đức Vua tuyên bố sinh viên tốt nghiệp UNISSA phải là “động lực” cho việc thực hiện SPCO và “hỗ trợ Chính phủ” (trích dẫn trongMüller 2017:204). Một số môn học ở UNISSA đề cập đến luật hình sự Hồi giáo. Còn phải chờ xem định hướng hệ tư tưởng của thế hệ học giả Hồi giáo kế cận như thế nào. Trong quá khứ, giới quan liêu Hồi giáo đã vận động cho chính sách tôn giáo như SPCO, và đã có vai trò quyết định nội dung luật này.

Vị Vua nổi tiếng 71 tuổi đã trị vì 50 năm, có một vị thế không thể tranh cãi. Người kế vị cũng đã rõ ràng, al-Muhtadee Billah từ lâu đã là Thái tử và “Phó Vương” để trưởng thành trong vai trò tương lai. Cách tiếp cận theo hướng hợp nhất của Đức Vua được củng cố thông qua cách phân phối tinh vi các nguồn vốn vật chất và biểu tượng giữa Nhà nước, xã hội và Hoàng gia. Quyền lực định chế của giới quan liêu tôn giáo sẽ bảo đảm sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nó trong những năm sắp tới. Đây tiếp tục là tâm điểm cho việc chính đáng hóa quyền lực chính trị. Nhưng vẫn còn phải chờ xem   đời sống và định hướng bên trong của bộ máy quan liêu tôn giáo phát triển như thế nào, ai sẽ chiếm giữ các vị trí lãnh đạo tương lai, và nội dung của diễn ngôn MIB tiếp tục tiến hóa ra sao.

Dominik M. Müller
Head of Emmy Noether Research Group
“The Bureaucratization of Islam and its Socio-Legal Dimensions in Southeast Asia“
Max Planck Institute for Social Anthropology (Halle, Germany)
Department of Law and Anthropology

Trưởng Nhóm Nghiên cứu Emmy Noether
“Quá trình quan liêu hóa của Hồi giáo và những chiều kích pháp lý-xã hội ở Đông Nam Á“ Viện Nhân học Xã hội Max Planck (Halle, Đức)
Khoa Luật và Nhân học

Tài liệu Tham khảo

Academy of Brunei Studies (2016): “Students Studying Abroad Urged to Uphold Malay Islamic Monarchy Values”, 28 August, URL http://apb.ubd.edu.bn/students-studying-abroad-urged-to-uphold-malay-islamic-monarchy-values/, accessed 18 September 2017.
Brunei Times 2014: Implementation of Shariah Law. Brunei Times, 15 December.
Brunei Times (2016) “Uphold MIB Values through Creative Art”, 24 June.
Iik Arifin Mansurnoor 2008: “Formulating and Implementing a Sharia-guided Legal System in Brunei Darussalam: Opportunity and Challenge”. Sosiohumanika 1(2), 219–248.
Muhammad Hadi bin Muhammad Melayong (2015) “Crown of the People”, Borneo Bulletin, 24 June 2017, URL: https://borneobulletin.com.bn/crown-of-the-people/, accessed 18 September 2017.
Mohd Zain Serudin (1996): Melayu Islam Beraja: Suatu Pendekatan. Bandar Seri Begawan: Dewan Bahasa dan Pustaka
Müller, Dominik M. (2010) “Melayu Islam Beraja: Islam, Staat und Politische Kommunikation in Brunei Darussalam”. In H. Warnk and F. Schulze (eds.). State and Islam in Southeast Asia. Wiesbaden: Harrassowitz. 147–170.
Müller, Dominik M. (2015) “Sharia Law and the Politics of ‘Faith Control’ in Brunei Darussalam: Dynamics of Socio-Legal Change in a Southeast Asian Sultanate”. Internationales Asienforum: International Quarterly for Asian Studies. 46(3-4): 313–345.
Müller, Dominik M. (2016) “Brunei in 2015: Oil Revenues Down, Sharia on the Rise“. Asian Survey. 56(1): 162–167.
Müller, Dominik M. (2017) “Brunei Darussalam in 2016: The Sultan is Not Amused”. Asian Survey. 57(1): 199–205.
Sultan Hassanal Bolkiah (1991): Titah. 14 January 1991. URL: http://www.information.gov.bn/Malay%20Publication%20PDF/EDIT%20TITAH%201990-1991.pdf, accessed 18 September 2017.

Notes:

  1. Có thể định nghĩa Hồi giáo hóa là “sự đề cao tuyệt đối các biểu tượng, chuẩn mực, truyền thống diễn ngôn, và thực hành phụng vụ xuyên suốt trong một hay nhiều lĩnh vực trải nghiệm sống” (Peletz 2015:145). Thuật ngữ này có vấn đề vì nhiều lý do, trong đó có lý do nó có nguy cơ ám chỉ một tuyên bố chuẩn tắc không chủ ý bằng cách giả định một quá trình dẫn đến “mang tính Hồi giáo hơn”, trong khi các tín đồ Hồi giáo khác thì lại cho rằng những phát triển được dán nhãn là “mang tính Hồi giáo hơn” ấy thực ra lại là “ít mang tính Hồi giáo hơn”.
  2. Muhammad Hadi 2017.
  3. Xem chẳng hạn: Academy of Brunei Studies 2016; Brunei Times 2016, và quan sát của tác giả ở những cuộc thi thơ ở Bandar Seri Begawan ngày 17/7/2017.

1 Comment

Comments are closed.