Hồi giáo dân sự, người đi đâu? Giải thích Phong trào Hồi giáo đang lên cao ở Indonesia giai đoạn sau Cải cách

Alexander R. Arifianto

Sự thành công của chiến dịch phòng vệ những người Hồi giáo khi chống lại cựu thống đốc Jakarta Basuki Tjahaja Purnama (hoặc ‘Ahok’) là bằng chứng rõ ràng cho thấy phong trào Hồi giáo đang lên cao ở Indonesia sau thời Cải cách, tiếc là điều này không được giải thích đầy đủ trong các nghiên cứu gần đây về Hồi giáo Indonesia. Sự phát triển của Hồi giáo ở Indonesia diễn ra mặc cho những biến chuyển về dân chủ trong hai thập kỷ qua; điều này cho thấy nhiều học giả và quan sát viên đã bị che khuất về tầm  ảnh hưởng của phong trào Hồi giáo cố chấp và bảo thủ ở Indonesia sau Cải cách. Trong bài luận này tôi khẳng định rằng điều này có thể là do ưu thế của luận điểm Dân sự Hồi giáo –vốn được Robert Hefner giới thiệu trong kiệt tác Civil Islam (Hồi giáo Dân sự, 2000) – luận điểm này xuất hiện ngay sau cuộc Cải cách ở Indonesia bắt đầu vào năm 1998. Luận điểm này ngay lập tức trở thành khuôn khổ hàng đầu được các học giả và nhà hoạch định chính sách vận dụng để phân tích Hồi giáo ở Indonesia trong thời kì hậu Cải cách.

Hefner định nghĩa Hồi giáo Dân sự là “các đạo đức công cộng được các nhà tư tưởng, các nhà hoạt động và các tổ chức Hồi giáo ở Indonesia và các nước Hồi giáo khác phát triển, [Hồi giáo Dân sự] mong muốn xếp đè lên các giá trị và các thực hành Hồi giáo bằng những giá trị dân chủ” (Hefner 2017, tr. 7). Định nghĩa này cũng được các trí thức Hồi giáo Indonesia như Nurcholish Madjid, Dawam Rahardjo và Abdurrahman Wahid giải thích rõ ràng. Những trí thức này đã xoay sở để kết hợp thần học Hồi giáo cổ điển với lý thuyết xã hội phương Tây để đưa ra những bình luận về xã hội Indonesia trong thời kỳ Trật tự mới. Những bình luận này được thiết kế để cải cách Hồi giáo Indonesia, để đưa Indonesia thoát khỏi vị trí là một nhà nước Hồi giáo – một ý tưởng được những người tiền nhiệm bảo thủ đề xuất để cập nhật tư tưởng Hồi giáo cổ điển và thể hiện khả năng tương thích của tư tưởng này với các tư tưởng hiện đại như dân chủ, đa nguyên và khoan dung.

Robert Hefner’s Civil Islam. It’s thesis “became a leading framework adopted by scholars and policymakers to analyze Islam in Indonesia during the post-Reformasi period”.

Tuy nhiên, hai thập kỷ sau khi Cải cách, tầm nhìn vốn được dự đoán bởi những người ủng hộ luận điểm Hồi giáo Dân sự  – rằng Hồi giáo Indonesia phần lớn là ôn hòa và tương thích với các giá trị dân chủ tự do như tôn trọng nhân quyền, đa nguyên và khoan dung tôn giáo – trở nên khó nắm bắt hơn, như các nghiên cứu đã chỉ ra Hồi giáo Indonesia đã phát triển theo hướng càng trở nên bảo thủ hơn (van Bruinessen 2013) và ngày càng trở nên không khoan dung đối với các biểu hiện tôn giáo mâu thuẫn với các tín điều Hồi giáo chính thống (Menchik 2016). Đáng lo ngại hơn, những biểu hiện đó không chỉ được thể hiện bởi các nhóm Hồi giáo mới như Mặt trận phòng thủ Hồi giáo (FPI) và Hizb-ut Tahrir Indonesia (HTI), mà còn bởi các giáo sĩ và các nhà hoạt động trong tổ chức NU và Muhammadiyah. Như tôi sẽ giải thích ở đây, những người Hồi giáo – ở đây được hiểu là “người theo đạo Hồi có cam kết gắn bó với hành động chính trị nhằm thực hiện những gì mà họ coi là thuộc về luân lí đạo Hồi” (Piscatori 2000, tr. 2) – ngày càng thống trị xã hội và chính trị Indonesia trong hai thập kỷ qua.

Tôi cho rằng những người ủng hộ luận điểm Hồi giáo Dân sự đã thất bại trong việc dự đoán bốn hướng phát triển của Hồi giáo ở Indonesia sau cải cách. Thứ nhất, những người ủng hộ luận điểm Dân sự Hồi giáo là những trí thức Hồi giáo ưu tú của Indonesia, những người này cũng rất thông thạo về lý thuyết xã hội phương Tây. Cách giải thích của họ về cách thức mà Hồi giáo có thể được tích hợp với các giá trị tự do như đa nguyên và khoan dung có thể được các nhà nghiên cứu và các quan sát viên phương Tây theo dõi một cách dễ dàng. Bên cạnh Hefner, nhiều học giả đã tán thưởng những phẩm  chất của Hồi giáo theo xu hướng tân hiện đại và ôn hòa ở Indonesia trong giai đoạn cuối của chính phủ Suharto và thời gian đầu của cuộc Cải cách (ví dụ, Barton và Fealy 1996, Liddle 1996).

Tuy nhiên, những giải thích như vậy thường không được chia sẻ giữa các giáo sĩ và nhà hoạt động chính thống của tổ chức NU và Muhammadiyah, những người chiếm giữ vị trí lãnh đạo của các tổ chức này từ cấp cơ sở. Phần lớn các giáo sĩ Hồi giáo tốt nghiệp ở các trường Hồi giáo truyền thống (pesantren salaf) – những trường này tập trung phát triển tri thức cơ bản nhất về đạo Hồi qua giáo trình, nhưng sinh viên tốt nghiệp của các trường này lại có xu hướng trở thành giáo sĩ Hồi giáo (kyai) và các nhà truyền giáo trong các cộng đồng địa phương  (Sakai và Isbah) 2014). Cách tiếp cận bảo thủ về Hồi giáo có thể giải thích tại sao những giáo sĩ này lại lí giải về sự khoan dung mang tính ngẫu nhiên và có điều kiện hơn so với những trí thức Hồi giáo được giáo dục ở phương Tây, những người thúc đẩy các diễn ngôn về Hồi giáo Dân sự (Menchik 2016). Điều này đến lượt nó lại giải thích tại sao nhiều giáo sĩ sẵn sàng chấp nhận và đôi khi thúc đẩy những hoạt động ngược đãi các dân tộc thiểu số như Ahmadi và Shi’a Muslims (Hamayotsu 2018) hoặc ủng hộ các cuộc biểu tình phòng vệ Hồi giáo nhằm chống lại Ahok.

Protests against Basuki Tjahaja Purnama, Christian governor of Jakarta, 31 March 2017

Sự xuất hiện của Quyền lực Hồi giáo mới

Thứ hai, những người ủng hộ Hồi giáo Dân sự thất bại không dự đoán được sự phân hóa hơn nữa của cơ quan Hồi giáo truyền thống ở Indonesia sau cải cách, cùng với sự phân hóa này là sự xuất hiện của các quyền lực Hồi giáo mới có khả năng thế chỗ như những nhà truyền giảng trên truyền hình, những người thầy giáo dạy tôn giáo (ustadz) nổi tiếng, và các nhà thuyết giảng trực tuyến. Ví dụ về những nhân vật Hồi giáo quyền lực mới này là Abdullah Gymnastiar, Yusuf Mansur, Bachtiar Nasir và Felix Siauw; việc các nhân vật này trở nên nổi tiếng có thể là kết quả của sự phân hóa trong cơ quan Hồi giáo. Những nhà truyền giáo này có khuynh hướng gắn bó với những cách diễn giải bảo thủ về tư tưởng đạo Hồi, và họ đang phát triển mối quan hệ chặt chẽ với các nhân vật tôn giáo khác đến từ các nhóm Hồi giáo hà khắc hơn. Ví dụ, Gymnastiar duy trì mối quan hệ chặt chẽ với lãnh đạo tinh thần của nhóm FPI tên là Habib Rizieq Shihab và người sáng lập JI tên là Abu Bakar Basyir, ông cũng thuyết giảng nhiều lần trong các lễ mít tinh do HTI tổ chức (Hoesterey 2016, tr. 45 & 198). Trong khi đó, Bachtiar Nasir phát triển mạng lưới với các cựu sinh viên của trường Gontor Hồi giáo mà ông từng theo học và với nhiều nhà hoạt động bảo thủ thuộc tổ chức Muhammadiyah, những người cùng có vai trò quan trọng trong các cuộc biểu tình phòng vệ Hồi giáo (IPAC 2018).

Mối liên kết của những nhà truyền giáo nổi tiếng này với các nhóm Hồi giáo bảo thủ và không khoan nhượng giải thích tại sao họ có thể dễ dàng được vận động vào các hoạt động chung như cuộc biểu tình phòng vệ Hồi giáo dược các nhóm Hồi giáo bảo thủ tổ chức. Quan trọng hơn, sự xuất hiện của các nhà truyền giáo Hồi giáo qua truyền hình, của các nhà truyền giáo nổi tiếng và của các nhân vật có thẩm quyền khác làm giảm uy tín của những người Hồi giáo truyền thống, mà đại diện ở đây là các giáo sĩ NU và Muhammadiyah, những người đột nhiên nhận thấy mình và tư tưởng của mình không còn thích hợp, điều này đặc biệt diễn ra giữa những người Hồi giáo trẻ tuổi thuộc tầng lớp trung lưu.

Ngay cả bên trong các nhóm ôn hòa như NU – những học giả tôn giáo (ulama) mới nổi và đạt được sự ủng hộ rộng rãi, phần lớn là những giáo sĩ Hồi giáo người Java trẻ và có nền giáo dục ở Trung Đông, những người này có những kiến giải thần học bảo thủ hơn –  cũng bác bỏ các nguyên tắc ôn hòa, đa nguyên và bao gộp mà nhà chính phủAbdurrahman Wahid hậu kì và những học giả tôn giáo đang học theo phái ôn hòa trong NU ủng hộ. Những người này bao gồm Idrus Ramli, Buya Yahya, và Abdul Somad, người thành lập ra NU Garis Lurus (“Con đường Chân lý của NU”) – một nhánh trong tổ chức NU, nhánh này tìm cách quay trở lại thần học tiến bộ và đa nguyên do Abdurrahman Wahid lập ra và cũng được Said Aqil Siradj, người còn được biết đến với tên gọi Islam Nusantara, Chủ tịch hiện tại của NU, thúc đẩy phát triển. Việc những ulama trẻ gia nhập NU Garis Lurus nằm trong số những nhà truyền giáo truyền thống nổi tiếng nhất hiện nay dễ gây khó khăn cho triển vọng của NU như là một tổ chức Hồi giáo ôn hòa và đa nguyên bởi vì các ulama là những ứng viên cho các vị trí lãnh đạo trong tổ chức này.

Thứ ba, những người Hồi giáo bảo thủ và cứng rắn khôn ngoan và uyên bác hơn so với những người Hồi giáo trung hòa trong việc truyền bá tư tưởng ở một môi trường tự do tư tưởng như đất nước Indonesia dân chủ thời hậu cải cách. Nơi các nhóm bảo thủ cố gắng truyền đạt hiệu quả ý tưởng của họ để lôi kéo thêm thành viên mới là ở các tổ chức truyền giáo trong khuôn viên trường học. Các tổ chức truyền đạo Hồi giáo do Phong trào Tarbiyah tài trợ – bây giờ là Đảng Công lý Thịnh vượng (PKS) và HTI –phát triển mạnh trong thập niên 1980 và 1990; hoạt động quy mô nhỏ và bí mật của các tổ chức này đã giúp chúng thoát khỏi sự giám sát liên tục từ bộ máy an ninh của Suharto (Arifianto 2018, tr. 6 ). Các tổ chức này trở nên nổi tiếng bởi vì những người Hồi giáo trẻ tuổi có nền tảng Hồi giáo tương đối thế tục hoặc không sùng đạo bắt đầu tìm cách hiểu sâu hơn về Hồi giáo bằng cách tham dự các sự kiện truyền giảng do các tổ chức này tài trợ.

Sau thời hậu Cải cách, các nhóm truyền giảng Hồi giáo ở trường học ngày càng tận dụng vị trí lãnh đạo của mình trong các trường đại học quốc gia như một công cụ để thay đổi suy nghĩ của những người Hồi giáo Indonesia trẻ tuổi hướng đến cách giải thích độc lập hơn về đạo Hồi. Các nhóm như HTI phát triển mạnh trong các trường đại học đào tạo giáo viên của nhà nước (trước đây là Viện đào tạo giáo viên Indonesia – IKIP), ở những nơi này, các nhóm truyền đạo nhắm đến những học sinh sắp trở thành giáo viên tại các trường trung học công lập để đào tạo họ trở thành người cùng chung chí hướng trong tổ chức (Arifianto 2018, tr. 13). Nhiều trong số những giáo viên này có lẽ đã cố gắng để truyền đạt các tư tưởng riêng của mình cho học sinh; kết quả là các cuộc thăm dò ý kiến ​​gần đây cho thấy có tới một trong bốn học sinh trung học ở trường công lập Indonesia bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với ý tưởng về một vị vua Hồi giáo mà HTI thường xuyên tuyên truyền (The Jakarta Post 2017)

Truyền giảng trong trường học chỉ là một phương tiện mà các những học giả bảo thủ cố gắng truyền bá ý tưởng độc lập của họ cho những người ủng hộ tiềm năng. Các nhóm Hồi giáo khác nhau có kết nối với các phong trào Tarbiyah, HTI và Jama’ah Tabligh cũng tích cực trong việc tài trợ các hình thức giảng đạo mới, từ các hoạt động giảng đạo Thứ sáu ở các cơ quan, công ty và trung tâm mua sắm lớn (Tempo 2017, trang. 64-65). Internet và các trang truyền thông xã hội đã trở thành phương tiện mới của các nhóm bảo thủ trong việc truyền bá thông điệp của họ trong suốt thập kỷ qua; và do đó, thông qua internet, các trang Arramah.com, VOAIslam.com, và nhiều trang khác đang trở nên phổ biến trong mắt những người dùng internet tìm kiếm nội dung tôn giáo. Các trang web này cung cấp cách diễn giải Hồi giáo theo nghĩa đen và chính thống; cách diễn giải đó được các nhà truyền đạo Hồi giáo chuyên về giảng đạo trực tuyến như ustadz Khalid Basalamah trình bày rõ ràng và đơn giản – thường là dưới hai hoặc ba phút. Thành công của các nhóm này trong việc đánh bại các đối thủ thuộc phái ôn hòa bằng cách kiểm soát internet và các phương tiện truyền bá truyền thống như truyền bá trong trường học đã góp phần lí giải lí do vì sao có nhiều người Hồi giáo Indonesia hơn, đặc biệt những người trẻ tuổi thuộc tầng lớp trung lưu, đang đi theo những cách diễn giải về Hồi giáo theo kiểu bảo thủ so với thế hệ những người đi trước.

Mass prayer in Istiqlal Mosque, Jakarta, the largest mosque in Southeast Asia, completed in 1978.

Một Liên minh phi thần thánh

Điểm thứ tư và cũng là điểm cuối cùng, những người ủng hộ luận điểm Hồi giáo Dân sự đánh giá thấp liên minh đang gia tăng giữa các chính trị gia cấp cao và các giáo sĩ thuộc Hội đồng Ulama Indonesia (MUI) ở cả cấp quốc gia và cấp độ địa phương. Các giáo sĩ và những chính trị gia ưu tú đang thích nghi để phù hợp với các nhóm Hồi giáo bảo thủ như FPI để tiến xa hơn với các tham vọng của mình (Hadiz 2016, Hamayotsu 2018). Rõ ràng các nhóm Hồi giáo đã có những nỗ lực lớn trong việc phát triển quan hệ liên minh với các chính trị gia, các công chức và nhân viên an ninh; những người này hiểu được kế hoạch của các nhóm hồi giáo hoặc ít nhất là muốn tận dụng sự ủng hộ của họ để đạt được các mục tiêu chính trị.

FPI đã phát triển mạng lưới liên kết với các quan chức cấp cao kể từ khi được thành lập vào đầu những năm 2000. Trưởng bộ phận nhân sự đã nghỉ hưu của TNI, Wiranto, (nay là Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Chính trị, An ninh và Pháp lý) và Cảnh sát trưởng, Nugroho Djajusman, được cho là những người bảo trợ chính của các tổ chức này trong những năm đầu thành lập (Wilson 2015). Các mối liên kết này đang được lãnh đạo hiện tại của Cảnh sát Quốc gia và của TNI duy trì. Tướng Gatot Nurmantyo, mới thay thế Trưởng bộ phận nhân sự TNI, được cho là có mối quan hệ chặt chẽ với Habib Rizieq và với các lãnh đạo cấp cao khác của FPI (McBeth 2017). Ở cấp khu vực, FPI đã phát triển các mối quan hệ rộng rãi với cảnh sát khu vực và các lãnh đạo của TNI, điều này đã giúp FPT tránh được những rắc rối pháp lý khi khởi xướng một cuộc tấn công chống lại một nhóm tôn giáo nhỏ.

Nhận thấy sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của các nhóm Hồi giáo bảo thủ – đặc biệt là trong các mùa bầu cử, những chính trị gia đặc tuyển ngày càng hình thành các liên minh mang tính cơ hội với các nhóm này để giành được sự ủng hộ của họ. Tuy nhiên, liên minh giữa những người Hồi giáo, giáo sĩ MUI, và các chính trị gia đặc tuyển đã gây trở ngại cho triển vọng dài hạn của Hồi giáo Dân sự ôn hòa ở Indonesia. Điều này có thể thấy từ việc ban hành khoảng 440 quy định về hồi giáo địa phương tại hơn 100 vùng của Indonesia (Pisani và Buehler 2017) kể từ khi Indonesia bắt đầu quá trình phi trung tâm hóa chính trị vào năm 2001. Ở cấp quốc gia, luật đạo đức công cộng mới đã được phê duyệt hoặc đang được được Quốc hội xem xét. Các luật này bao gồm Luật chống khiêu dâm năm 2006 và sẽ việc đưa thêm luật xử nghiêm tội quan hệ tình dục ngoài hôn nhân trong lần sửa đổi sắp tới đối với Bộ luật hình sự của Indonesia (KUHP); bản sửa đổi này dự kiến ​​sẽ được DPR thông qua trước khi kết thục nhiệm kì vào năm 2019 (Peterson 2018). Với những thay đổi này, triển vọng phát triển các nguyên tắc và diễn ngôn Hồi giáo Dân sự ở nước Indonesia dân chủ thời hậu Cải cách đang trở nên khó nắm bắt hơn sau gần hai mươi năm kể từ khi nó lần đầu tiên được giới thiệu.

Trong khi một số học giả (ví dụ như Qurtuby 2018) vẫn lạc quan về triển vọng trong tương lai của nhóm Hồi giáo Dân sự ôn hòa ở Indonesia, thì dựa trên những quan sát trên, chúng ta không còn có thể xem Hồi giáo Dân sự như một diễn ngôn thần học thống trị nhất trong thế giới Hồi giáo Indonesia. Trong khi viễn cảnh của việc tiếp tục quá trình Hồi giáo hóa nhà nước Indonesia vẫn còn xa xôi, thì quá trình đó cũng không còn có thể bị loại trừ hoàn toàn trong hoàn cảnh phong trào Hồi giáo đang gia tăng ở Indonesia. Thành công của những người Hồi giáo trong việc dàn dựng các cuộc biểu tình bảo vệ Hồi giáo cho thấy họ là một lực lượng không còn bị bỏ qua trong những phân tích ngày nay về chính trị Indonesia.

Alexander R. Arifianto
Nghiên cứu viên, Chương trình Indonesia
Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam
Đại học công nghệ Nanyang, Singapore

Tài liệu tham khảo

Arifianto, Alexander R. 2018. “Islamic Campus Preaching Organizations in Indonesia: Promoters of Moderation or Radicalism?” Asian Securityhttps://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/14799855.2018.1461086, accessed 2 May 2018.
Barton, Greg and Grey Fealy (eds) 1996. Nahdlatul Ulama, Traditional Islam, and Modernity in Indonesia. Clayton, Australia: Monash Asia Institute.
Hadiz, Vedi. 2016. Islamic Populism in Indonesia and the Middle East. New York: Cambridge University Press.
Hamayotsu, Kikue. 2018. “Moderate-radical Coalition in the Name of Islam: Conservative Islamism in Indonesia and Malaysia,” Kyoto Review of Southeast Asia (23), https://kyotoreview.org/issue-23/conservative-islamism-indonesia-malaysia/, accessed 2 May 2018.
Hefner, Robert W. 2000. Civil Islam: Muslims and Democratization in Indonesia. Princeton, NJ: Princeton University Press.
Hoesterey, James B. 2016. Rebranding Islam: Piety, Prosperity, and a Self-Help Guru. Stanford, CA: Stanford University Press. 
Institute for Policy Analysis and Conflict (IPAC). 2018. After Ahok: The Islamist Agenda in Indonesia (6 April). Available at: http://www.understandingconflict.org/en/conflict/read/69/After-Ahok-The-Islamist-Agenda-in-Indonesia, accessed 2 May 2018.
The Jakarta Post. 2017. “Caliphate Still Attractive to Many Students;” (1 November), http://www.thejakartapost.com/news/2017/11/01/caliphate-still-attractive-many-students-study.html, accessed 6 March 2018. 
Liddle, R. William. 1996. “The Islamic Turn in Indonesia: A Political Explanation,” Journal of Asian Studies, 55 (3), pp. 613-634.
McBeth, John. 2017. “Widodo, His Paranoid General, and a ‘Rotting Situation’ in Indonesia,” South China Morning Post (15 January), http://www.scmp.com/week-asia/politics/article/2062023/widodo-his-paranoid-general-and-rotting-situation-indonesia, accessed 2 May 2018.
Menchik, Jeremy. 2016. Islam and Democracy in Indonesia: Tolerance without Liberalism. New York: Cambridge University Press. 
Peterson, Daniel. 2018. “Indonesia’s Minority Report,” New Mandala (14 February), http://www.newmandala.org/indonesias-minority-report/, accessed 12 March 2018
Pisani, Elizabeth and Michael Buehler. 2017. “Why do Indonesian Politicians Promote Shari’a Laws? An Analytic Framework for Muslim-majority Democracies,” Third World Quarterly, 38 (3): 734-752. 
Piscatori, James. 2000. Islam, Islamists, and the Electoral Principle in the Middle East. Leiden, Netherlands: ISIM. https://openaccess.leidenuniv.nl/handle/1887/10070, accessed 2 May 2018.
Qurtuby, Sumanto al. 2018. “Indonesia’s Islamist Mobilization,” Kyoto Review of Southeast Asia (23), https://kyotoreview.org/issue-23/indonesias-islamist-mobilization/, accessed 2 May 2018.
Sakai, Minako and M. Falikul Isbah. 2014. “Limits to Religious Diversity Practice in Indonesia: Case Studies from Religious Philanthropic Institutions and Traditional Islamic Schools,” Asian Journal of Social Science, 42 (6): 722-746.
Tempo. 2017. “Liputan Khusus: Muslim Konservatif: Saleh atau Salah?” [Special Report: Conservative Muslims: Pious or ‘Wrong’?”] (19 – 25 June). 
Van Bruinessen, Martin (ed.). 2013. Contemporary Developments in Indonesian Islam: Explaining the “Conservative Turn.” Singapore: Institute of Southeast Asian Studies Publishing. 
Wilson, Ian D. 2015. The Politics of Protection Rackets in Post-New Order Indonesia: Coercive Capital, Authority, and Street Politics. New York: Routledge