“Raya Kita”: Người Hồi giáo Malay ở Nam Thái Lan và Đức Vua

Anusorn Unno

Năm 2011, một Ngày Hội Trẻ em đã diễn ra ở trường phổ thông La Meng 1 thuộc quận Raman tỉnh Yala. Ngày Hội có nhiều hoạt động như chơi trò chơi, biểu diễn, xổ số có thưởng, phát quà miễn phí, và một lễ trao giải. Bên cạnh một “núi quà tặng” của các cơ quan nhà nước và của quân đội, điều đặc biệt trong lễ hội năm ấy là phần biểu diễn bài hát thiếu nhi “Rayo Kito” ( tiếng Malay chuẩn viết là “Raya Kita”, nghĩa là “Đức Vua của chúng em”). Bài hát kể về việc Nhà Vua đã cống hiến không mệt mỏi cho thần dân của mình, và đáp lại, thần dân đã yêu thương và tôn kính Ngài. Việc hát bài hát đó trong Ngày Hội Trẻ em là để chuyển đi thông điệp rằng trẻ em Hồi giáo Malay cũng tri ân và yêu kính Đức Vua như trẻ em trên cả nước, bất kể sự khác biệt về tộc người-tôn giáo.  

Busa, cha của một học sinh lớp 5, bình luận rằng mặc dù Ngày Hội Trẻ em rất được chính quyền ủng hộ kể từ sau các cuộc nổi dậy hàng loạt vào năm 2004, nó vẫn bị nhà nước giám sát chặt chẽ. Binh lính trên những chiếc xe bọc thép và một chiếc xe tải quân đội xuất hiện không chỉ để trao quà tặng và kem mà còn là để giám sát xem các hoạt động lễ hội có theo đúng hướng chỉ đạo về an ninh hay không. Đáp lại, bọn trẻ hát bài “Rayo Kito” để thể hiện rằng chúng yêu kính và trung thành với Nhà Vua và đất nước theo như yêu cầu của Nhà nước. Nhưng Busa cũng nói thêm, buổi trình diễn không được như ý muốn. Anh giải thích, một số đứa trẻ có thể là tôn kính Nhà Vua như lời bài hát, nhưng cũng có những đứa khác không thực sự chú ý tới lời bài hát, chúng chỉ hát bởi vì chúng bị yêu cầu làm như vậy.

Rajas: Các vị thân vương Malay

Cư dân La Meng coi Malay Rajas (hay Raya) như là những nhân vật vĩ đại và quyền năng. Họ kể cho nhau nghe một câu chuyện rằng khi cùng những người khác đi vào rừng , một vị Raja bị một con voi tấn công. Với sức mạnh phi thường của mình, ngài Raja đó đã đánh bại con voi chỉ với đôi tay trần. Câu chuyện lan rộng khiến Raja trở thành một nhân vật được nể trọng. Thêm nữa, do có mối liên hệ với siêu nhiên, Raja phải tuân theo một số quy tắc kiêng cữ. Họ không được ăn măng tre và một số loài cá, nếu không thì công lực của họ sẽ bị biến mất. Và, với sự vĩ đại và quyền năng của mình, Raja có khả năng gợi dậy tình yêu và nỗi sợ hãi trong các thần dân.

Meng, một chuyên gia về văn hóa Malay, nói, người dân có cảm xúc lẫn lộn đối với Rajas. Họ có thái độ tích cực với các vị vua triều đại Raman, nhất là với Tok Ni, người được coi là có vai trò quan trọng trong việc sáng lập làng. Khi tiến hành những nghi lễ cúng tổ tiên và thần linh, bao giờ dân làng cũng thể hiện sự tôn kính đối với Raman. Nhưng mặt khác, tổ tiên họ lại sợ một số vị Raman độc ác. Có chuyện kể rằng, Raya Sueyong, người chạy trốn khỏi Kedah và kết hôn với con gái một vị Raman, bao giờ cũng ra lệnh đầu bếp chuẩn bị bữa ăn cho mình, trong đó có món thịt người. Chuyện khác kể rằng một vị Raman nhận thấy món mít của mình bị khuyết một miếng, bèn hỏi tụi lính ai lấy. Khi biết một phụ nữ ốm nghén đã ăn miếng mít, ông ra lệnh mổ bụng người đó để lấy miếng mít ra. Tương tự, ông cắt chân một phi tần khi biết bà lén bỏ đi.

Meng cho biết thêm, nỗi sợ của thần dân Malay đối với các vị thân vương Malay còn mở rộng đến cả các vị vua Xiêm. Meng nói “Người Malay cũng sợ các vị vua Xiêm vì họ sống ở xa, dân chưa bao giờ thấy họ. Dân không biết vua Xiêm trông như thế nào. Thêm nữa, một vị vua Xiêm đã từng cử Khun Phan đến để đánh bại các băng cướp Malay, khiến dân càng thêm sợ các vị vua Xiêm”. Nếu câu chuyện của Meng đúng, thì vấn đề là vì sao người Malay hiện nay lại yêu kính các vị vua Thái, đặc biệt là Vua Bhumibol.      

Các vị vua Thái 2

Ngay khi vạch xong biên giới Xiêm, giới tinh hoa cầm quyền bận tâm với việc tìm ra phương cách để kết nối người dân của các tộc người và tôn giáo trên cùng một lãnh thổ với nhau. Điều này đặc biệt quan trọng vì người Pháp tận dụng lối biện minh về sắc tộc để mở rộng quyền kiểm soát đối với người Lào và Khmer, tuyên bố những tộc người này thuộc về Đông Dương thuộc Pháp. Đối mặt với cái logic sắc tộc đó, Vua Rama V và cố vấn xướng xuất rằng mọi người dân sống trong lãnh thổ Xiêm thuộc về quốc gia Thái miễn là họ đáp ứng những tiêu chuẩn căn bản nào đó, đặc biệt là tiêu chuẩn trung thành với Đức Vua. Mặc dù kế hoạch xây dựng quốc gia mang tính “bao gồm” của Vua Rama V không còn được tiếp tục dưới triều đại Vua VI, Rama VII và Rama VIII do những thay đổi về chính trị, nó đã được khôi phục trong triều đại Vua Rama IX và Vua Bhumibol.  

Vua Bhumibol được ca ngợi là biết vượt lên mọi khác biệt về tộc người-tôn giáo. Mặc dù là một Phật tử, nhưng về mặt Hiến pháp, Ngài là Người Bảo trợ của mọi Tôn giáo, trong đó có Islam. Kết quả là, trong khi Islam thấy khó mà phù hợp với phạm trù “tôn giáo” trong hệ tư tưởng nhà nước do sự liên đới mạnh mẽ của hệ tư tưởng nhà nước với Phật giáo, thì Islam lại tìm thấy sự hỗ trợ và bảo vệ trong phạm trù “nền quân chủ”. Tương tự, tuy là một người Thái nhưng về mặt Hiến pháp, Nhà Vua là nguyên thủ quốc gia và gần đây, ngài được xem là Cha già Tổ Quốc, lòng từ bi của Ngài là dành cho mọi công dân bất kể nguồn gốc sắc tộc của người đó. Trong khi người Malay thấy không dễ dàng phù hợp với phạm trù “dân tộc” trong hệ tư tưởng Nhà nước do sự liên đới của khái niệm dân tộc với tộc người Thái, thì họ lại tìm thấy sự hỗ trợ và bảo vệ trong phạm trù “nền quân chủ”. Do đó, phạm trù ấy khiến cho người Hồi giáo Malay có thể sống được trong lãnh thổ của Nhà nước Phật giáo Thái, nơi khét tiếng là phân biệt đối xử về tôn giáo-sắc tộc, như trong trường hợp đối với dân làng La Meng.

Meng nói, bên cạnh sự thông thuộc của họ với các vị Raja Malay, cái lí do vì sao các cư dân ở đây thấy không khó khăn trong việc tôn kính Vua Bhumibol phải liên quan đến cách thức họ cảm nhận về Ngài. Mặc dù cư dân này, nói chung, thờ ơ với Đức Vua, song họ không cảm thấy bị áp bức dưới triều đại của Ngài. Họ có thể không thích các cơ quan nhà nước, nhất là lực lượng an ninh, song họ không gắn những cơ quan hay chính quyền như vậy với Nhà Vua. Kak Dah, một thành viên trong vô số các nhóm ủng hộ nhà nước, nói, cô không nghĩ Nhà Vua có sự phân biệt đối xử về sắc tộc và tôn giáo, nhưng các cơ quan nhà nước thì có. Cô nói thêm, “không chỉ người Thái mới yêu kính Đức Vua. Người Malay cũng yêu kính Đức Vua”.

Asroh, một nam sinh lớp 6, nói, cậu ta không có vấn đề gì với Đức Vua vì “Ngài tốt với người Malay chúng em. Ngài cũng tốt với Islam”. Tuy có người phàn nàn hay chê bai một số thành viên Hoàng gia, nhưng không ai tỏ ra không ưa thích Vua Bhumibol trước mặt tôi hay nơi công cộng. Mặc dù có lòng yêu kính, các cư dân vẫn cần trả lời câu hỏi thần học và vũ trụ luận mà sự thần bí hóa Vua Bhumibol như là một nhân vật thần thánh đem lại.

Bhumibol was crowned King of Thailand on 5 May 1950 in the Baisal Daksin Throne Hall in the Grand Palace in Bangkok.

“Chúng tôi yêu Mister Vua”

Một hôm, trong khi ngồi trò chuyện ở một quán hàng lề đường, tôi hỏi Kak Dah nghĩ gì về từ “เรา” (Rao, hay ‘Chúng tôi’) trong câu “เรารักนายหลวง” (Rao Rak Nay Luang, hay ‘Chúng tôi yêu Nhà Vua’) viết trên đĩa kỷ niệm. “Người Malay”, cô đáp. Rồi tôi hỏi cô có cảm thấy không thoải mái với việc sử dụng câu đó không, một câu có vẻ như được thiết kế cho tộc người Thái. Cô nói: “Không. Câu ấy OK vì người Malay yêu kính Nhà Vua”. Tôi hỏi Kak Moh, người góp phần tạo nên cái đĩa kỷ niệm ấy, rằng, cô có đồng ý với Kak Dah không. Cô đáp, cô tán thành, và nói thêm “chúng tôi sống ở Thái Lan, chúng tôi cũng là người Thái”. Những người khác cùng ngồi trong quán đều chia sẻ quan điểm đó.

Trong khi ý nghĩa của từ “เรา” (Rao) rõ ràng thì ý nghĩa của cụm từ “นายหลวง” (Nay Luang) lại không phải vậy. “นายหลวง” (Nay Luang) là một từ sai chính tả của “ในหลวง” (Nai Luang), cụm từ mà người Thái dùng để chỉ Vua Bhumibol. Một mình với Meng, tôi hỏi anh hiểu “Nay Luang” là gì, anh trả lời “Nhà Vua”. Tôi hỏi tiếp, anh hiểu “นาย” (Nay) là gì, anh giải thích nó có thể có hai nghĩa, phụ thuộc vào ngôn ngữ được dùng. Trong tiếng Thái, “นาย” (Nay) nghĩa là “Mister”, và do đó cụm từ “นายหลวง” (Nay Luang) có nghĩa là “Mister Luang”, hàm nghĩa Vua nhưng cũng có thể không hàm nghĩa đó. Nhưng trong tiếng Malay, “นาย” (Nay) là một phần của từ “Toh Nay”, có nghĩa là các quan chức Chính phủ Phật giáo Thái. Khi kết hợp với “หลวง” (Luang), từ Malay “นาย” (Nay) đem lại ấn tượng về người đứng đầu các quan chức chính phủ, tức là Nhà Vua. Tuy nhiên, Meng nói thêm, vì “Toh Nay” được những thế hệ Malay già hơn dùng nên chắc là những người trẻ hơn làm ra cái đĩa kỷ niệm ấy hiểu “นาย” (Nay) là “Mister”. Và vì “หลวง” (Luang) thường liên quan đến Vua nên chắc nhiều người làm đĩa kỷ niệm nghĩ “นายหลวง” (Nay Luang) là “Mister Vua”.  

Ghi nhận cách giải thích của Meng, tôi nêu câu hỏi tương tự với những người làm đĩa kỷ niệm khác, và nhận được câu trả lời tương tự. Kak Dah nói cô hiểu “นาย” (Nay) là “Mister” vì Nhà Vua là “một người đàn ông”. Cô nói thêm, người Malay địa phương phát âm “Toh Nay” theo cách khác, do đó “นาย” (Nay) không có nghĩa liên quan đến “Toh Nay”. Tương tự, Asroh nói cậu ta khó nghe được từ Malay “Toh Nay” hay “Toh Nae”, và đối với cậu ta, “นาย” (Nay) là một từ Thái, có nghĩa là “Mister.” Cả Kak Dah và Asroh đều cho rằng “หลวง” (Luang) có nghĩa là Vua hay những gì liên quan đến Vua. Như vậy, đối với những người Malay làm đĩa kỷ niệm, “นายหลวง” (Nay Luang) là một cụm từ Thái, dịch sát là “Mister Vua”.    

Cụm từ “นายหลวง” (Nay Luang) biểu thị Vua, nhưng sát nghĩa là “Mister Vua”. Đây là một dữ liệu quan trọng. Mặc dù về mặt Hiến pháp là Người Bảo trợ của mọi Tôn giáo, Vua Bhumibol được tái thần thánh hóa như là một nhân vật thần thông qua các nghi thức Hoàng gia có liên quan với đạo Hindu và đạo Bà la môn (Brahmanism). Những đặc điểm kì bí và thần thoại của Ngài đặt ra một thách thức với dân chúng Malay; là người Hồi giáo, những người Malay không được phép có bất kỳ một đấng tối cao nào ngoài Thánh Allah. Câu “เรารักนายหลวง” hay “Chúng tôi yêu Mister Vua” khiến họ có thể đặt Vua Bhumibol vào thế giới quan của mình mà không phải thỏa hiệp với những nguyên lý tôn giáo của mình. Trước hết, từ “yêu” biểu thị một mối quan hệ riêng tư mật thiết mà không phải là một hành động thờ cúng tôn nghiêm. Thứ hai, từ “Mister” biểu thị một con người chứ không phải là một đấng thần linh siêu nhiên. Gộp hai điều đó lại, câu “Chúng tôi yêu Mister Vua” lại biểu thị mối quan hệ thân thiết chứ không phải là một hành động thờ cúng đấng tối cao. Chính sự tháo gỡ các đặc trưng kì bí và thần thoại của nhà vua  Bhumibol đó đã tạo ra khả năng gộp nhập Ngài vào vũ trụ luận Hồi giáo.  

Hậu triều đại

Cái chết của Vua Bhumibol không chỉ khiến cho nền chính trị Thái thay đổi mà còn ảnh hưởng đến cách thức các cư dân Malay kết nối với các vị vua Thái. Mặc dù quá trình thần bí hóa đã bắt đầu nhưng vẫn cần nhiều thời gian để vị vua hiện đại trở thành một nhân vật thần thánh như cha của Ngài trong con mắt của các thần dân, trong đó có cả các thần dân người Malay. Trong giai đoạn quá độ ấy, câu hỏi mà cư dân Malay cần trả lời có thể không phải là câu hỏi liên quan đến đấng tối cao mà là câu hỏi liên quan đến con người.

Anusorn Unno
Phó giáo sư
Trưởng Khoa Xã hội học và Nhân học
Đại học Thammasat

Issue 22, Kyoto Review of Southeast Asia, September 2017

Banner image— Krabi, southern Thailand – October 2016: Thai mourners take picture after the Mourning Ceremony of King Bhumibol Adulyadej at Krabi Provincial Hall

Tài liệu tham khảo

Anusorn Unno

2011 “We Love Mr. King.”: Exceptional Sovereignty, Submissive Subjectivity, and Mediated Agency in Islamic Southern Thailand. A PhD Dissertation, the University of Washington.  
2016 “‘Rao Rak Nay Luang’: Crafting Malay Muslims’ Subjectivity through the Sovereign Thai Monarch,” Thammasat Review. Vol.19, No.2 (July – December).

Notes:

  1. Để bảo vệ an toàn và riêng tư cho những người cung cấp thông tin, tên người và tên làng ở đây đã thay đổi.
  2. Mục này và những mục tiếp theo trước đều dựa vào công trình của Anusorn 2011, 2016.