Quá trình chỉnh trang đô thị về Môi trường và Chủ nghĩa độc tài sinh thái: Sự khôi phục kênh đào của Chính phủ quân đội Thái Lan

Boonlert Visetpricha

Lũ lụt đặt ra một thách thức lớn về môi trường ở Thái Lan. Nó ảnh hưởng hầu như hang năm đến một số tỉnh thành. Ngay cả lượng mưa bình thường kéo dài chỉ một giờ cũng có thể gây ra lũ lụt ở Bangkok và các vùng ngoại ô. Nhiều dự án ngăn chặn lũ lụt của chính phủ Thái Lan liên quan đến việc di dời các cộng đồng sống ven kênh. Mặc dù có những nguyên nhân phức tạp gây ra lũ lụt, nhưng những cộng đồng này thường bị buộc tội là đã ngăn chặn dòng chảy của nước. Dựa trên quan điểm sinh thái chính trị, 1 bài tiểu luận này sẽ xem xét các mối quan hệ còn nhiều tranh cãi giữa kênh rạch, lũ lụt và người nghèo đô thị. Bài viết sẽ cho thấy làm thế nào, kể từ cuộc đảo chính năm 2014, chính phủ quân đội đã thực thi nghiêm ngặt việc di dời các cộng đồng sống dọc theo các kênh bằng cách áp dụng logic hậu- thảm họa. Những biện pháp này đã được những người Bangkok thuộc tầng lớp trung lưu ủng hộ, những người này không thích có các cộng đồng nghèo đô thị sống trong khu vực xung quanh họ. Theo đó, việc di dời các cộng đồng dọc theo các con kênh dưới sự quản lý của chính quyền quân sự là sản phẩm của sự kết hợp hai quá trình, đó là, chỉnh trang đô thị về  môi trường (environmental gentrification) và chủ nghĩa chuyên chế sinh thái (eco-authoritarianism). Thuật ngữ thứ nhất biểu thị quá trình xóa bỏ người nghèo đô thị vì lý do cải thiện môi trường. 2 Thuật ngữ thứ hai đặt ra câu hỏi làm thế nào các chính phủ độc tài tham gia vào việc bảo vệ môi trường theo những cách khác biệt với các chính phủ dân chủ, bởi vì chúng có thể phớt lờ những tuyên bố về quyền của người nghèo để khởi xướng các dự án môi trường. 3

Các cuộc đàm phán lâu đời về các cộng đồng sống ven kênh

Bangkok khó tránh được lũ lụt. Thành phố nằm ở cửa sông Chao Phraya và phần lớn thành phố nằm dưới mực nước biển. Trước đây, Bangkok và các tỉnh lân cận có thể chống chọi với lũ lụt nhờ có hệ thống sông rạch giúp hút nước trong mùa gió chướng. 4 Tuy nhiên, hệ thống này đã bị phá hủy do quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Việc xây dựng đường xá, đường cao tốc và các tòa nhà đã làm giảm số lượng và kích thước kênh rạch. 5 Hơn nữa, dân số chính thức của Bangkok đã tăng từ 2.150.000 người vào năm 1960 lên 10.539.000 người vào năm 2020. Khả năng hấp thụ nước tổng thể của Bangkok đã giảm không thể chỉ là do những người sống dọc theo các con kênh ngăn dòng chảy của nước. Thay vào đó, nó phải được coi là một phần của một loạt các quá trình biến đổi môi trường xã hội.

Đã có những cuộc đàm phán lâu dài ở Thái Lan về việc liệu có hợp lý nếu xóa bỏ các cộng đồng ổ chuột dọc theo các con kênh để ngăn lũ lụt hay không. Một mặt, từ góc độ sinh thái nhằm mục đích giữ cho hệ thống kênh đào nguyên sơ, thì nên cấm việc việc con người định cư bên cạnh các kênh đào. Một số cơ quan chính phủ, đặc biệt là Cục Thoát nước và Xử lý nước thải của Cơ quan Quản lý Đô thị Bangkok (BMA), đã áp dụng quan điểm kỹ thuật, cho rằng việc mở rộng các kênh đào sẽ giúp nước chảy nhanh hơn. Do đó, các cuộc đàm phán đều cho rằng các cộng đồng ổ chuột nằm dọc theo các con kênh đã chặn các dòng chảy và gây ra lũ lụt ở Bangkok, do đó họ cần phải được di dời.

Quan điểm này dẫn đến hành động cưỡng ép di dời đối với Cộng đồng Bang Oo sau trận lụt lớn xảy ra ở Bangkok năm 1983. Nằm dọc theo kênh Bang Oo ở quận Phra Khanong của Bangkok, Cộng đồng Bang Oo bị buộc tội là đã chặn dòng chảy đến sông Chao Phraya, do đó gây ngập lụt lớn trên toàn thành phố. Để giải quyết vấn đề nhận thức được này, hai trăm cảnh sát vũ trang biệt kích đã phá dỡ một cách thô bạo nhà cửa của tám mươi gia đình trong Cộng đồng Bang Oo. 6 Mặc dù lũ lụt tiếp tục là một vấn đề ở Bangkok, nhưng nó không nghiêm trọng như năm 1983, vì vậy BMA đã chuyển sự chú ý của nó sang hoạt động bán hàng tự động trên đường phố và sự tắc nghẽn giao thông. Do đó, kế hoạch di dời các cộng đồng ven kênh rạch được gác lại.

Tuy nhiên, vấn đề trục xuất các cộng đồng dọc theo các con kênh đã được khơi lại trong thời Thống đốc Bhichit Rattakul (1996-2003). Bhichit nổi tiếng trong giới trung lưu ở Bangkok vì chiến dịch biến Bangkok trở thành thành phố đáng sống và vì hình ảnh của ông là một người quan tâm đến ô nhiễm môi trường. Ông hứa sẽ tăng không gian xanh ở Bangkok và khôi phục chất lượng nước trong các con kênh. Chiến dịch của ông đã thu hút trí tưởng tượng của tầng lớp trung lưu, những người lí tưởng những hình ảnh đến từ các quốc gia phát triển, như Kyoto, Nhật Bản, nơi các kênh đào có nước sạch và có những lối đi rợp bóng cây bao quanh chứ không phải giống như các cộng đồng ổ chuột. Khi Thống đốc Bhichit cố gắng thực hiện lời hứa của mình, điều đó đã dẫn đến việc một số quan chức cấp huyện xua đuổi các cộng đồng khu ổ chuột sống ven kênh.

Slums along a canal (Khlong Toei) full of mud and rubbish in Bangkok’s Khlong Toei District. Photo: David Bokuchava / Shutterstock.com

Các cộng đồng khu ổ chuột và những đồng minh của họ, chẳng hạn như các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các học giả, phản bác cáo buộc rằng cư dân khu ổ chuột đã làm bẩn kênh rạch và gây ra lũ lụt. Vào ngày 1 tháng 9 năm 1998, khoảng 1.000 thành viên cộng đồng khu ổ chuột, do Mạng lưới bốn khu vực ổ chuột (FRSN), một mạng lưới quốc gia gồm các cộng đồng khu ổ chuột ở bốn khu vực của Thái Lan, đã biểu tình trước văn phòng BMA. 7 Họ khẳng định rằng những người dân khu ổ chuột sống ven kênh rạch không đổ rác xuống đường thủy và gây ngập lụt. Thay vào đó, họ nhấn mạnh những cách thức rác thải từ nơi khác đổ về, và các cộng đồng khu ổ chuột đã hành động chung để dọn rác cho kênh rạch. Nói cách khác, họ lập luận rằng cư dân khu ổ chuột trên thực tế đã có trách nhiệm trong việc cải tạo các kênh và BMA nên ngừng đổ lỗi cho họ về lũ lụt. FRSN đã giới thiệu một bài diễn văn quan trọng rằng “các cộng đồng có thể sống bên cạnh các kênh đào”, nhắc lại cách dân làng Thái Lan đã sống bên cạnh các con kênh trong nhiều thế kỷ. Kết quả của phong trào này, Thống đốc Bhichit đã chấp nhận yêu cầu của cộng đồng, thông báo rằng các cộng đồng sẽ có thể sống dọc theo các con kênh và thuật ngữ “trục xuất” phải được xóa khỏi từ điển. Trong suốt nhiệm kỳ còn lại của Bhichit, không có vụ trục xuất nào nữa. 8

Phản ứng của Thống đốc Bhichit rất có ý nghĩa. FRSN thậm chí còn xuất bản các áp phích có ảnh Thống đốc Bichit với lời hứa của ông và phân phát chúng cho các cộng đồng để ngăn các quan chức cấp quận đe dọa đuổi họ. Lập luận của cộng đồng và quyết định của Thống đốc Bhichit phản ánh cách thức quản lý môi trường không thể chỉ dựa vào kiến ​​thức kỹ thuật mà còn phải xem xét mối quan hệ xã hội giữa các khu định cư của con người và môi trường. 9 Hơn nữa, lịch sử này cho thấy tầm quan trọng của chính trị dân chủ trong việc làm trung gian cho mối quan hệ này. Vì Thống đốc Bhichit là một quan chức dân cử, ông phải thỏa hiệp với cả tầng lớp trung lưu và người nghèo thành thị. Trong thời đại độc tài, tình hình đã thay đổi đáng kể.

Phục hồi kênh đào dưới thời chính phủ quân sự

Kế hoạch di dời người dân sống ven kênh rạch đã bị đình chỉ vào năm 1998. Tuy nhiên, sau khi lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở Thái Lan năm 2011 khiến 815 người chết và ảnh hưởng đến 13,6 triệu người, Cục Thoát nước và Xử lý nước thải của BMA đã đề xuất một kế hoạch mới để di dời những người sống dọc theo 9 kênh rạch chính ở Bangkok, điều này ảnh hưởng đến 12.307 hộ gia đình. Kế hoạch này không được thực hiện cho đến khi Tướng Prayuth Chan-Ocha chiếm quyền chính phủ đắc cử của Thủ tướng Yingluck Shinawatra vào ngày 22/5/2014.

Người đứng đầu quân đội tuyên bố rằng ông phải lật đổ chính phủ được bầu cử bởi vì nó đã không kiểm soát được xung đột chính trị. Tướng Prayuth nhấn mạnh rằng cuộc đảo chính nhằm mang lại an ninh cho đất nước thông qua việc lập lại trật tự. Chính phủ đã công bố mười tám chính sách khẩn cấp để thực hiện mục tiêu này, bao gồm việc lập lại trật tự cho các đường đi, tổ chức vận chuyển bằng xe tải, khai hoang rừng và khôi phục kênh đào. Việc di dời các cộng đồng ven kênh để ngăn lũ lụt phải được quân đội phân tích trong mục tiêu lớn hơn là nhằm khôi phục trật tự chính trị. Cụm từ “sắp xếp trật tự các cộng đồng ven kênh” ngụ ý rằng những cộng đồng xâm nhập các kênh đào là nguyên nhân gây rối loạn về mặt môi trường và chính trị.

Các quan chức chính phủ chỉ đưa ra những quan điểm tích cực về chính sách này, như trường hợp của Kênh đào Lad Phrao, nơi nhiều thành viên của cộng đồng đã hợp tác với dự án của chính phủ bằng cách chuyển nhà từ phía trên kênh sang mảnh đất bên cạnh kênh. Tuy nhiên, con kênh này là trường hợp duy nhất người dân được phép xây lại nhà ở gần vị trí ban đầu. Cư dân dọc theo Lad Phrao đó cũng nhận được khoản đền bù tương đối hậu hĩnh cho sự hợp tác của họ, chẳng hạn như 80.000 baht cho mỗi ngôi nhà bị dỡ bỏ. Họ cũng được hưởng lợi nếu họ có thể tham gia Dự án Nhà ở An toàn (Ban Mankhong) do chính phủ hỗ trợ.

Người dân sống dọc theo các con kênh khác không được hưởng lợi từ các biện pháp đặc biệt của chính phủ khi họ bị ép di dời. Ví dụ, các quan chức Quân đội và BMA đã đe dọa những cư dân ổ chuột là đã xây dựng lán ở Cộng đồng Bản Ta Pho, Quận Khlong Sam Wa. 10 Quân đội tuyên bố rằng họ đã nhận được đơn khiếu nại từ những cư dân giàu có hơn của một buôn làng gần đó, yêu cầu xóa bỏ khu ổ chuột. Không có gì ngạc nhiên khi các cộng đồng trung lưu không thích có các cộng đồng nghèo đô thị ở gần khu phố của họ, vì những ngôi nhà tạm bợ của người nghèo khiến khu phố của họ không hấp dẫn. Tương tự như vậy, Cộng đồng Khlong Peng ở Quận Watthana (một trong những khu kinh doanh của Bangkok) phải đối mặt với các mối đe dọa bị di dời của các quan chức BMA. Cộng đồng này nằm trong một khu thương mại với các phòng trưng bày xe hơi, khách sạn và trung tâm mua sắm sang trọng. Tuy nhiên, vì BMA không có ngân sách để bồi thường cho những cư dân bị trục xuất, các công ty tư nhân này đã quyên góp tiền để hỗ trợ việc chi trả cho việc di dời của cộng đồng.

Officials visit Bangkok’s Khlong Peng community

Sự tư nhân hóa việc bồi thường di dời cho thấy mối liên hệ giữa sự chỉnh trang về môi trường và chủ nghĩa chuyên chế sinh thái. Mặc dù việc di dời các cộng đồng được đề xuất như một phương tiện phòng chống lũ lụt, nhưng dự án đó cũng phục vụ lợi ích của khu vực tư nhân, những người muốn làm cho cảnh quan xung quanh họ đẹp bằng cách loại bỏ những căn nhà lụp xụp khó coi của người nghèo. Cuối cùng, các vụ trục xuất đã thành hiện thực vì chủ nghĩa chuyên chế sinh thái, cụ thể là các quan chức dưới chế độ quân sự nghiêm chỉnh thực thi luật pháp và bỏ qua tất cả các khía cạnh khác của tình hình, chẳng hạn như liệu người nghèo thành thị bị đuổi đi có nơi nào khác để có thể sống được không.

Sau cuộc đảo chính năm 2014, các kênh đào ở nơi khác ngoài Bangkok cũng được quản lý tương tự. Ví dụ, sau trận lụt lớn ở Chiang Mai năm 2000, chính quyền thành phố không gây áp lực gì lên người dân sống ven kênh. Vào thời điểm đó, mạng lưới cộng đồng tích cực của thành phố cho thấy rằng các thành viên của thành phố có thể chăm sóc các kênh đào và cải thiện môi trường đô thị. Tuy nhiên, các vụ trục xuất cũng đã đến với Chiang Mai sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Do chính quyền quân đội đình chỉ các cuộc bầu cử địa phương, nó đã nắm giữ quyền lực đáng kể đối với các chính quyền địa phương. Trong bối cảnh đó, các chính quyền địa phương bị buộc phải thực hiện các chính sách của quân đội thay vì chịu trách nhiệm trước người dân địa phương. Theo đó, chính sách mang lại trật tự cho các con kênh cũng được thúc đẩy ở Chiang Mai. Vào tháng 5 năm 2018, một nhóm binh sĩ đã đe dọa những cư dân sống trên Kênh Mae Ngeon với án phạt tù vì vi phạm luật, buộc họ phải tháo dỡ nhà cửa. 11

Bài luận này đã so sánh việc xử lí lũ lụt theo hướng môi trường của Thái Lan dưới chính quyền dân chủ và dưới chế độ độc tài quân sự. Nó cho thấy rằng các chính phủ đã viện dẫn những lo ngại về lũ lụt để di dời người dân sống ven kênh từ năm 1983. Mặc dù thực tế rằng các kế hoạch này thường được bộ phận trung lưu và doanh nghiệp hỗ trợ, trong thời kỳ dân chủ, các cư dân của cộng đồng [ven các kênh đào] đã tổ chức, tham gia, và phản đối hiệu quả đối với các dự án nhằm phá hủy cộng đồng của họ. Ngược lại, chính quyền quân sự gần đây đã liên kết quản lý môi trường với nỗ lực mang lại trật tự cho xã hội. Làm như vậy, nó không ngăn được lũ lụt cũng như không cải thiện được môi trường, mà lại chỉ nâng cao lợi ích của những công dân giàu có bằng cái giá của người nghèo. Lịch sử gần đây cho thấy cách quân đội đã huy động các quy định về môi trường một cách hiệu quả như thế nào để tăng cường sức mạnh của chính họ, phớt lờ tiếng nói của người dân và buộc họ phải tự tháo dỡ nhà của mình trong quá trình này.

Boonlert Visetpricha
Giảng viên Khoa Xã hội học và Nhân học, Đại học Thammasat

Notes:

  1. Stott, P.A. and S. Sullivan, Political ecology: science, myth and power. 2000.
  2. Checker, M., Wiped out by the “greenwave”: Environmental gentrification and the paradoxical politics of urban sustainability. City & Society, 2011. 23(2): p. 210-229.
  3. Middeldorp, N. and P. Le Billon, Deadly environmental governance: authoritarianism, eco-populism, and the repression of environmental and land defenders. Annals of the American Association of Geographers, 2019. 109(2): p. 324-337.
  4. Tohiguchi, M., et al., Transformation of the canal-side settlements in Greater Bangkok. Journal of Architecture and Planning (Transactions of AIJ), 2002. 67(551): p. 245-252.
  5. Limthongsakul, S., V. Nitivattananon, and S.D. Arifwidodo, Localized flooding and autonomous adaptation in peri-urban Bangkok. Environment and Urbanization, 2017. 29(1): p. 51-68
  6. Chitniratana, C. Khon Cha Theong Thi Mai: Prasobkan Sib Hok Pi Nai Ngan Patthana Salam. [Before Arriving the End: Sixteen-year Experience in Slum Community Development]. 1995.
  7. Chantharapha, Apphayut. Khrekhai Salam Si Phak: Tuaton Lae Prasobkan Kan Khreanwai [Four Region Slum Network: Identity and Its Movement Experiences]. 2009.
  8. Ibid. p47.
  9. Heynen, N., M. Kaika, and E. Swyngedouw, In the nature of cities: urban political ecology and the politics of urban metabolism. Vol. 3. 2006: Taylor & Francis.
  10. Thaitribune-27 April 2016.
  11. Workpoint News-16 May 2018.