Biến đổi khí hậu ở Thái Lan: về chính trị tri thức và cai trị

Chaya Vaddhanaphuti

Biến đổi khí hậu là một trong những rủi ro môi trường xã hội toàn cầu quan trọng nhất của thế kỷ 21. Các ấn phẩm có phản biện đã xác nhận sự gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan, sự mất mát của môi trường sống, mùa màng thất bát, các bờ biển và đảo bị ngập nước. Dưới sự hướng dẫn của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (United Nations Framework Convention on Climate Change) nhằm ổn định khí nhà kính và xây dựng khả năng chống chịu trước các tác động trong tương lai, Thái Lan đã phản ứng tốt bằng cách thiết lập Kế hoạch tổng thể về biến đổi khí hậu Thái Lan 2015–2050 (Thailand Climate Change Master Plan 2015–2050). Điều này hoàn toàn ổn ở cấp độ chính sách quốc tế, nhưng chính xác thì nhiệt độ tăng 2°C và sự gia tăng 15% của khả năng xảy ra lũ lụt và hạn hán khắc nghiệt thực sự có ý nghĩa gì đối với người Thái?

Biến đổi khí hậu, trong tiếng Thái gọi là karn plien plang sapab puumi aagad, có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Thay vì tính nồng độ carbon như một nhà khoa học, đối với một nông dân, biến đổi khí hậu có thể được biết đến thông qua việc mất mùa do điều kiện mùa vụ không thuận lợi. Điều này có thể cần đến các nghi lễ tôn giáo để xoa dịu các vị thần hoặc mua thêm phân bón. Đối với một tu sĩ Phật giáo, giải pháp cho thời tiết xấu là thông qua việc chỉnh đốn tâm trí; để khôi phục ý nghĩa đạo đức lại cho tự nhiên. Họ tin rằng vấn đề thay đổi thời tiết có thể được giải quyết tại địa phương và mang tính cá nhân, điều này cũng độc lập với bất kỳ tổ chức quốc tế nào, không liên quan đến việc hoạch định chính sách các-bon thấp (Vaddhanaphuti 2020). Câu hỏi đặt ra là, những hành động lấy cảm hứng từ tôn giáo này có đủ điều kiện làm giảm thiểu vấn đề không?

Trong bài viết tập trung vào bối cảnh của tri ​thức khí hậu và hoạch định chính sách ở Thái Lan này, tôi khám phá sự phát triển theo lịch sử của tri ​​thức khí hậu và những cách tìm hiểu và ứng phó khác nhau đối với biến đổi khí hậu. Trong khi có nhiều thực tế về biến đổi khí hậu được các nhóm khác nhau nêu rõ, có vẻ như những tri ​​thức về khí hậu này của Thái Lan chỉ được rút gọn thành sự giảm khí nhà kính dưới các chế độ quản lý khí hậu quốc gia và quốc tế kỹ trị gồm các chuyên gia kĩ thuật đặc tuyển. Các dạng tri ​​thức về khí hậu khác đã bị gạt ra ngoài lề. Tôi kết thúc phân tích của mình bằng cách khám phá các tác động đạo đức và chính trị của mô hình này nhằm mang lại sự đa nguyên về tri ​thức khí hậu và sự công bằng trong chính sách khí hậu. Do độ dài bài viết có hạn, tôi chủ yếu tập trung vào bối cảnh của sự thích ứng với khí hậu.

Xây dựng kiến ​​thức và chính sách về khí hậu ở Thái Lan

Vấn đề biến đổi khí hậu ở Thái Lan xuất hiện trong giới học thuật vào cuối những năm 1990, liên quan đến các tác động vật lý và kinh tế đối với sự đa dạng sinh học rừng và năng suất cây trồng. Các học giả đã tham gia vào cuộc kiếm tìm được mô tả là nghiên cứu ‘dự đoán-sau đó-thích ứng.’ Nghiên cứu này tập trung vào sự điều chỉnh dự báo khí hậu cần thiết để cho ra những dự đoán chính xác, chứ không phải là điều tra các nguyên nhân chính trị và xã hội cố hữu của các vấn đề (Chinvanno and Kersuk 2012). Các nghiên cứu về khía cạnh xã hội của biến đổi khí hậu dần dần nhiều lên, đặc biệt là trong các lĩnh vực đô thị, nông nghiệp và ven biển (xem tại đây). Vào năm 2011, Quỹ Nghiên cứu Thái Lan đã xuất bản một báo cáo được gọi là Báo cáo Đánh giá Đầu tiên của Thái Lan về Biến đổi Khí hậu (Thailand’s First Assessment Report on Climate Change (TARC) để xem xét tình trạng tri ​​thức về khí hậu ở Thái Lan. Báo cáo của TARC đã vận dụng cách thức và cấu trúc của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change (IPCC)), cơ quan liên chính phủ của UNFCCC về tổng hợp tri thức khí hậu toàn cầu. Báo cáo này chịu ảnh hưởng sâu sắc của các nhà khoa học Thái Lan, những người là đồng tác giả trong các báo cáo của IPCC. Báo cáo Đánh giá thứ hai, được công bố vào năm 2016, kết luận rằng các nghiên cứu về phản ứng đa hướng và quy mô chéo đối với các áp lực khí hậu, sinh thái, xã hội và kinh tế vẫn còn hạn chế (xem các trường hợp ngoại lệ trong  Forsyth and Evans 2013; Marks 2019).

Biến đổi khí hậu bước vào đời sống công chúng và truyền thông Thái Lan vào khoảng năm 2007, với sự hỗ trợ của việc phát hành báo cáo IPCC. Báo cáo này được dịch thành một số cuốn sổ tay tiếng Thái và các cuộc phỏng vấn trên truyền hình, và cả bộ phim của Al Gore “Một sự thật bất tiện”. Hơn nữa, các dự án khí hậu xuyên quốc gia, quy mô toàn quốc, quy mô chéo bắt đầu được thực hiện, ví dụ: START; Hug Muang Nan; TEI; ACCRN; GIZ; USAID; CARE. Các mục tiêu chung của chúng, tương tự như chính sách khí hậu quốc gia được mô tả dưới đây, là giảm phát thải carbon và tăng khả năng chống chịu với các tác động khí hậu tại các bối cảnh địa lý khác nhau như thành thị, nông thôn và vùng ven biển, và trong các lĩnh vực nông nghiệp, nước, năng lượng và chính sách.

Thái Lan đã đáp lại lời kêu gọi của UNFCCC thông qua các quan hệ đối tác giữa Văn phòng Quy hoạch và Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ONEP) với cơ quan phát triển Đức Deutsche Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit (GIZ). Do đó, Kế hoạch Tổng thể về Biến đổi Khí hậu Thái Lan 2015–2050 (Thailand Climate Change Master Plan 2015–2050) đã chính thức được khởi động nhằm mục đích tạo ra một xã hội có lượng các-bon thấp bằng cách giảm phát thải khí nhà kính xuống 20-25% so với bối cảnh “kinh doanh như bình thường” vào năm 2030, và bằng cách xây dựng kế hoạch hành động đối phó với rủi ro khí hậu, đồng thời duy trì khả năng cạnh tranh trong tăng trưởng kinh tế, sản xuất nông nghiệp và phát triển bền vững. Tuy nhiên, các chính sách khí hậu và TCCMP bị chỉ trích là quá tham vọng, không rõ ràng, bỏ qua các bối cảnh xã hội, môi trường và chính trị trên quy mô lớn và coi thường các nhóm ngoại biên (Eucker 2014; Lebel et al. 2009;. Wongsa 2015).

Kế hoạch Tổng thể về Biến đổi Khí hậu Thái Lan, cùng với các tổ chức khí hậu được mô tả ở trên, tập trung nâng cao hiểu biết về khí hậu cho công chúng Thái Lan thông qua việc dạy về sự khác biệt giữa các thuật ngữ ‘thời tiết’ (aagad), ‘khí hậu’ (pumi aagad) và ‘biến đổi khí hậu’ (karn plien plang sapab puumi aagad). Bất kể phương ngữ của mọi người là gì, hai thuật ngữ sau cùng là thuật ngữ kỹ thuật, hầu như không được nói bằng tiếng Thái bản địa; chúng được phát minh để phù hợp với thuật ngữ khoa học, do đó có thể đặt thời tiết địa phương trong bối cảnh về sự thay đổi lâu dài trong hệ thống khí hậu toàn cầu (Vaddhanaphuti 2020). So với một tài liệu dân tộc học về miền Bắc Thái Lan được mô tả ở đầu bài báo, những gì các nhà khí hậu học đã làm là loại bỏ các đặc điểm kinh nghiệm, văn hóa và tâm linh về thời tiết, và biến nó thành một đối tượng trừu tượng, có thể định lượng được.

Forest fire, Mae Hong Son Province, 2010. Fires are deliberately set so Thai het pho, a fungus which fetches a high price on the Thai market, are easier to find. The fires completely denude the undergrowth and affects the wildlife. Wikipedia Commons

Một ví dụ cho thấy những cách thức mà tri ​​thức khí hậu phi khoa học đã được xử lý như thế nào: Trong một diễn đàn công cộng ở tỉnh Nan vào năm 2014 (Vaddhanaphuti 2017), một đại diện từ cộng đồng Karen tuyên bố rằng tri ​​thức truyền thống của ông có thể giúp các nhà khoa học quan sát các dấu hiệu của biến đổi khí hậu, đồng thời người này cho rằng cuộc sống bình dị của ông không nên bị chính quyền đổ lỗi như là nguyên nhân gây ra đốt rừng và ô nhiễm không khí. Bài phát biểu của ông đã nhận được tràng pháo tay của khán giả. Nhưng trong các cuộc phỏng vấn riêng với đại diện của hai tổ chức khí hậu theo định hướng kỹ thuật, một tổ chức hoan nghênh việc tích hợp tri ​thức trong khi tổ chức kia coi tri ​​thức địa phương là không cần thiết trong dự án của họ. Họ cảm thấy dễ dàng hơn khi đảm nhận vai trò sư phạm, kỹ trị trong việc  ra lệnh cách thức khí hậu được  xác định, hiểu và phản ứng như thế nào đồng thời phi lí hóa những niềm tin phi logic và các thực hành của địa phương.

Cuối cùng, luôn có nhiều thực tế về biến đổi khí hậu ở Thái Lan được các nhà khoa học, đại diện truyền thông, dân làng địa phương, các nhà nghiên cứu khí hậu, nhà sư Phật giáo, v.v. trình bày khác nhau. Do đó, biến đổi khí hậu được hiểu theo nhiều cách khác nhau: một thực tế có thể quan sát và quản lý được; một ý tưởng du hành từ phương Tây, được giải thích bởi các chuyên gia; một vấn đề lớn cần giải pháp khẩn cấp; một cơ hội phát triển mới; là ví dụ về việc thiên nhiên bị thiệt hai do xói mòn đạo đức [của con người]; và một vấn đề địa phương đòi hỏi giải pháp nghi lễ (Vaddhanaphuti 2020). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những câu chuyện này được kiến tạo với một quyền lực bất bình đẳng. Việc một câu chuyện hoặc một thực hành về khí hậu được đón nhận hay bị làm cho im lặng phụ thuộc vào vị trí quyền thế của người thực hành, người nói và người nghe. Trong bối cảnh tri ​​thức khí hậu hiện nay ở Thái Lan, có vẻ như tri ​​thức khoa học và các biện pháp can thiệp quản lý là những kẻ chiến thắng.

Điều này diễn ra như thế nào? Chắc chắn, vị trí vượt trội của kiến ​​thức khoa học không thể được coi là đương nhiên, mà thay vào đó là kết quả của các tập hợp những thực hành được ấn định tại các địa điểm khác nhau (Mahony and Hulme 2018). Tri thức về khí hậu xuất hiện thông qua tổng hợp thống kê về khí hậu vốn luôn thay đổi trên thế giới, do đó nó loại bỏ các ràng buộc về đạo đức, văn hóa, lịch sử và địa lý. Một độ lệch dài hạn so với ‘cái bình thường’ cho phép UNFCCC coi nó như một vấn đề toàn cầu phổ biến. Cách tiếp cận về quản lý mang tính giảm thiểu này tạo ra rất ít chỗ cho các loại tri ​​thức và hành động địa phương, tất cả quy về việc làm giảm phát khí thải nhà kính và xây dựng khả năng phục chống chọi như là giải pháp trước các tác động Hulme 2015). Điều tương tự cũng diễn ra đối với công việc hợp tác chính sách khí hậu Thái-Đức và một số tổ chức khí hậu, những chương trình và tổ chức này đã đưa Thái Lan vào chế độ khí hậu toàn cầu đồng thời chúng đóng vai trò là những nhân tố chủ chốt trong việc giảm khí nhà kính và phát triển khí hậu (Ober and Sakdapolrak 2020). Điều này đạt được ở hai cấp độ: thông qua các vòng hội thảo, nơi các thuật ngữ và sơ đồ kỹ thuật được giảng đi giảng lại nhiều lần; và thông qua thủ tục giấy tờ, nơi dữ liệu thống kê về phát thải carbon thường xuyên được đệ trình để GIZ và UNFCCC đánh giá. Việc không gian hóa và sản xuất tri ​​thức khí hậu toàn cầu đã diễn ra dưới những thể chế kĩ trị bá quyền mới nổi ở cấp độ quốc tế và quốc gia này. Đổi lại, các thể chế tri ​​thức này đã định nghĩa việc tìm hiểu và ứng phó với sự thay đổi thời tiết ở các địa phương.

Rice farmer from Ubon Ratchathani, Thailand

Quản lý bầu không khí lộn xộn: cân nhắc về đạo đức và chính trị

Klenk và cộng sự (2017) gợi ý rằng phản chiếu vào vấn đề đạo đức và chính trị nên là trọng tâm của việc sản xuất tri thức trong hoạch định chính sách khí hậu. Điều này có nghĩa là thay vì xác định trước biến đổi khí hậu là gì và nó phải ứng phó như thế nào từ một góc độ khoa học hạn hẹp, thì có lẽ tri ​​thức về khí hậu ở Thái Lan sẽ có ích hơn nếu nó được đặt nền tảng theo địa phương, giải phóng  khỏi lôgic học phương Tây và sử dụng với đầy đủ năng lực của nó. Điều này đòi hỏi phải cơ cấu lại các sắp xếp thể chế để phù hợp với những gì có thể được coi một chính sách không chỉ là về khí hậu.

Nếu con người và khí hậu  của của gắn bó chặt chẽ với nhau, thì việc phá hủy bầu khí quyển là làm mất đi một nguồn tài nguyên văn hóa quan trọng. Đồng thời, bỏ qua sự đa dạng dân tộc cũng là bỏ qua kiến ​​thức vốn được sử dụng để con người sống với và thu xếp với thiên nhiên, bao gồm cả với thời tiết. Để khắc phục khoảng cách này, đa nguyên tri thức là rất quan trọng. Ví dụ, các quan sát thời tiết bản địa có thể làm phong phú cho những nơi thiếu các trạm thiết bị (Lebel 2013). Lạc quan hơn, tri ​​thức khí hậu của Thái Lan có thể thẩm vấn kiến ​​thức khoa học “hộp đen”, do đó có thể tạo ra một tri thức đồng đồng sản xuất nhằm giải quyết các đặc thù của địa phương (Lane et al. 2011). Định vị lại đội ngũ và chuyên gia trong quá trình quản lý môi trường đảm bảo cho tiếng nói của những người trong cuộc và những người bị thiệt thòi được lắng nghe và một số dạng tri ​​thức về khí hậu nhất định không bị bỏ quên hoặc hiểu sai. Cách tiếp cận như vậy đã được Nhóm liên chính phủ của LHQ về đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái (Intergovernmental Platform on Biodiversity and Ecosystem Services (IPBES) thực hiện, đây là nhóm anh em họ ít tuổi hơn của IPCC, bao gồm nhiều bên liên quan hơn. Những người này bao gồm các chuyên gia không phải là nhà khoa học và các đại diện bản địa; họ được mời để tổng hợp hóa tri thức về sự đa dạng sinh học (Beck et al. 2014). Có lẽ sự tái sinh của nghiên cứu Thai Baan tập trung vào thời tiết, khí hậu và sinh kế có vẻ hợp lý. Loại nghiên cứu về dân làng này, vốn rất quan trọng trong các cuộc đấu tranh của địa phương về tài nguyên thiên nhiên, có thể giúp mở ra không gian cho các cư dân thành phố, nông dân hoặc các nhà sư sinh thái nói về cách nhận biết và đối phó đối với những thay đổi môi trường xã hội khó lường. Để điều đó xảy ra thì cần đòi hỏi sự sắp xếp thể chế phản ánh tốt hơn nhiều. Điều này cũng sẽ yêu cầu các dạng tri ​​thức đó và các tác nhân sản sinh ra chúng phải được coi là những người đối thoại trí tuệ hợp pháp.

The Master Plan utilises the Driving Forces-Pressure-State-Impact-Response (DPSIR) framework. The framework works by focusing first on the current environmental problems (e.g. climate change) and then by analysing the surrounding factors comprehensively in order to identify the causes and reach effective solutions.

Các hình thức quản lí khí quyển mới nổi đem lại một nơi mà ở đó nhà nước kỹ trị và chính phủ dựa trên khoa học của Thái Lan cố gắng kiểm soát và hàng hóa hóa các nguồn tài nguyên thiên nhiên từ trung tâm hành chính vì một nền kinh tế thịnh vượng hơn (Forsyth and Walker 2008). Việc mở rộng quyền lực của chính phủ Thái Lan từ vùng đất thấp, đến vùng cao và đến cả vùng trời đã biến cả dân làng và điều kiện khí hậu hàng ngày của họ thành những đối tượng có thể quản lý được và đẩy họ ra vùng ngoại vi của việc sản xuất tri ​​thức khí hậu, nơi họ có rất ít tiếng nói trong úa trình tạo ra tri thức đó. Do đó, bầu không khí trở thành một không gian chính trị của sự tranh giành, sự thống trị và quá trình ngoại biên hóa.

Trong trường hợp này, việc kiểm tra lại và sửa đổi TCCMP vốn đã tan rã (Wongsa 2015) là điều cần thiết. Được coi là một dự án phát triển quy mô lớn khác, trọng tâm của TCCMP cần phải mở rộng ra ngoài các vấn đề khí hậu đơn thuần. Thay vì giảm tất cả các hoạt động trong tất cả các lĩnh vực xuống một mục tiêu giảm khí thải nhà kính toàn quốc duy nhất, quản lý biến đổi khí hậu ở góc độ từ dưới lên có nghĩa là giải quyết các vấn đề phi khí hậu mang tính quyền lực như sự phát triển không đồng đều và sự bóc lột tư bản, sự bất bình đẳng và quá trình ngoại biên hóa, sự bất ổn chính trị, tài sản quyền, giới tính và dân tộc, v.v. (Forsyth and Evans 2013). Cách tiếp cận này sẽ trao quyền cho các nhóm địa phương giải quyết các vấn đề môi trường xã hội từ quan điểm của họ vốn có thể đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp vào các biện pháp giảm nhẹ các vấn đề về khí hậu và các biện pháp thích ứng. Hiểu các khía cạnh đạo đức, văn hóa, tinh thần và cảm xúc của tình trạng dễ bị tổn thương về môi trường, xã hội vẫn đang còn thiếu trong nghiên cứu và chính sách về thích ứng với khí hậu ở Thái Lan. Giải quyết các vấn đề phức tạp do biến đổi khí hậu đặt ra nên được chính phủ ưu tiên hơn là triển khai ngay lập tức những ấn định về khoa học và công nghệ cho bầu khí quyển. Không làm như vậy có thể có nguy cơ tái tạo các rào cản xã hội, thể chế và chính trị hiện có đối với sự phát triển và làm sâu sắc thêm những tổn thương trên quy mô lớn (Lebel et al. 2011; Scoville et al. 2020).

Chaya Vaddhanaphuti
Giảng viên địa lí, Khoa Địa lí, Trường Đại học Khoa học Xã hội, Đại học Chiang Mai, Thái Lan