Phong trào Hồi giáo ở Indonesia

Sumanto Al Qurtuby

Mặc dù không phải là điều mới mẻ trong lịch sử Indonesia, phong trào Hồi giáo chủ nghĩa đã trở nên rõ nét hơn trên chính trường đất nước sau khi Tổng thống Suharto từ bỏ ngai vị năm 1998. Đối với những người theo chủ nghĩa Hồi giáo, chế độ toàn trị Suharto kết thúc là cơ hội thể hiện lợi ích tôn giáo, văn hóa, tư tưởng, chính trị và kinh tế của mình. 

Tuy luôn có nhiều yếu tố tác động vào sự nổi lên của phong trào Hồi giáo chủ nghĩa ở Indonesia sau thời kỳ Chế độ Mới, song cái chết của chế độ Suharto là một yếu tố rất quan trọng. Sự kiện ấy mở ra cánh cửa đến tự do dân sự, dân chủ và đa nguyên dân sự, nhưng một hậu quả phụ là sự nổi lên của bất khoan dung, cực đoan hóa và dân quân Hồi giáo.

Bất kể những phát triển kinh tế, chính trị và xã hội đáng ghi nhận, Indonesia hậu Suharto bị ngập tràn bởi những nhóm Hồi giáo chủ nghĩa địa phương và xuyên quốc gia hung ác thách thức nền dân chủ đa nguyên non trẻ và mong manh của Indonesia, làm hỏng hình ảnh tín đồ Hồi giáo Indonesia khoan dung và ôn hòa, trong so sánh với những đồng đạo của họ ở Trung Á, tiểu lục địa Ấn Độ, hay Trung Đông. Sự bùng nổ các nhóm Hồi giáo cực đoan ấy khiến quan điểm tự do hiện đại của những tín đồ ôn hòa tiến bộ ngày càng bị thách thức, thậm chí bị bác bỏ.

Bởi vậy, nền dân chủ Indonesia đã mở ra không gian cho chủ nghĩa Hồi giáo nở rộ. Nhân danh tự do dân chủ, khắp nơi trên quần đảo các nhóm Hồi giáo chủ nghĩa thành lập hàng loạt trung tâm, tổ chức, trường học Hồi giáo, thậm chí cả những đảng chính trị. Họ tự do xuất bản sách báo Hồi giáo (phân phối chúng thông qua mạng lưới rộng khắp của mình) truyền bá tư tưởng, diễn giải, và cách hiểu Hồi giáo của mình, cũng như giới thiệu chương trình nghị sự chính trị-xã hội của họ. Tuy tranh đấu trong một hệ thống dân chủ, song nghịch lý là họ lại sử dụng các định chế Hồi giáo để tuyên truyền sự bất khoan dung, chủ nghĩa vị chủng, và chống đa nguyên, cũng như chống lại nền dân chủ mà họ cho là sản phẩm vô đạo phương Tây.

U. S. Secretary of Defense, William Cohen (left), meets with Indonesian President Suharto at his residence in Jakarta on January 14, 1998.

Đa dạng các kiểu loại nhóm Hồi giáo

Cần nhấn mạnh rằng không phải mọi nhóm Hồi giáo đều gắn với bạo lực, và sẽ là sai lầm nếu cho rằng các phong trào Hồi giáo đều bạo lực hay cực đoan.  Cũng như nhiều dòng tu Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo thúc giục đạo hữu nâng cao đạo đức cá nhân, nhiều phong trào hồi sinh Hồi giáo khuyến khích tín đồ tuân thủ pháp luật hơn.

Các phong trào Hồi giáo hòa bình hay ít bạo lực thường bao gồm những hành động sau: xây dựng đảng chính trị, cạnh tranh bầu cử, hình thành liên minh, phát triển đối tác xã hội dân sự-Nhà nước, và khởi xướng các tổ chức xã hội dân sự. Cũng có thể bao gồm các hoạt động làm việc với các cơ quan chính phủ để xiển dương chính sách dựa trên luật Syariah. Các phong trào Hồi giáo bạo lực hay cực đoan tiến hành các cuộc tấn công vào sở hữu, đe dọa, hoặc nhằm vào các cá nhân và nhóm phản đối các mục tiêu hay lựa chọn chiến lược Hồi giáo cấp tiến, chống lại các giáo phái thiểu số, nhóm tộc người thiểu số, các nhóm dân cư nhất định, cũng như gây bạo loạn, bất ổn dân sự, bạo lực cộng đồng, hoặc nổi dậy.

Ví dụ về các nhóm Hồi giáo phi bạo lực như Tablighi Jamaat, Hizbut Tahrir Indonesia, hoặc một vài nhóm Salafi (hoặcTân-Salafi). Trong khi đó có thể kể ra những nhóm Hồi giáo bạo lực, cấp tiến như Front Pembela Islam (Mặt trận Những người bảo vệ Hồi giáo, Islamic Defenders Front), Laskar Jihad (Các lực lượng Thánh chiến, Jihad Forces), Majelis Mujahidin Indonesia (Hội đồng Thánh chiến Indonesia, Indonesian Jihadist Council), Forum Umat Islam (Islamic Umma Forum), Jamaah Ikhwanul Muslimin Indonesia (Hội Huynh đệ Hồi giáo Indonesia, Association of Indonesian Muslim Brotherhood), và Koalisi Nasional Anti-Syiah (Liên minh Quốc gia chống Shia, Anti-Shia National Alliance).

Phần lớn nghiên cứu về phong trào Hồi giáo Indonesia tập trung vào vai trò phá hoại của các nhóm Hồi giáo bạo lực, cực đoan. Chỉ số ít học giả dành tâm sức nghiên cứu về các phong trào Hồi giáo ít bạo lực.

 Phong trào Hồi giáo trong Cuộc Bầu cử Thống đốc Jakarta

Bầu cử thống đốc Jakarta năm 2017 là một trong những cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi nhất trong kỷ nguyên hậu Suharto. Đó là vì tiến trình bầu cử đã diễn ra trong bạo lực, căng thẳng, nổi loạn, khủng bố, hận thù, đe dọa, phân biệt tộc người, chủ nghĩa vị chủng, kích động tình cảm giáo phái bởi vô số nhóm Hồi giáo cấp tiến.

Trong bầu cử vòng một, những người theo chủ nghĩa Hồi giáo bị chia rẽ giữa việc ủng hộ Anies Baswedan (Anies) gốc Arab Hadrami hayAgus Harimurti Yudhoyono,con trai Cựu Tổng thống Indonesian Soesilo Bambang Yudhoyono. Tuy nhiên, sang vòng hai (Agus thua trong vòng một), mọi người theo chủ nghĩa Hồi giáo đã thống nhất chống lại ứng viên đương nhiệm Basuki Tjahaja Purnawa (biệt danh Ahok, một người gốc Hoa Thiên Chúa giáo) và người cùng liên danh Djarot Saiful Hidayat (Djarot). 1

Mặc dù căng thẳng giữa những người ủng hộ các ứng viên đã thể hiện rõ ngay trước vòng một, xung đột và cạnh tranh trở nên quyết liệt ở vòng hai khi Anies chống lại Ahok. Lo sợ ứng viên của mình thất cử (Anies và người cùng liên danh Sandiaga Salahuddin Uno, một doanh nhân biệt danh là Sandi), những người Hồi giáo cấp tiến tập hợp và đe dọa cư dân Jakarta bằng nhiều biện pháp: mít tinh, tụ tập nơi công cộng, thuyết giáo, thuyết giảng ngày thứ Sáu, quảng cáo, áp phích, mạng xã hội, v.v. Người Hồi giáo và các đồng minh chính trị của họ chống lưng cho liên danh Anies-Sandi thường xuyên huy động dân chúng và các “thủ lĩnh cổ động” cho chủ nghĩa Hồi giáo trong các cuộc tuần hành, thuyết giảng ngày thứ Sáu trên quảng trường, các lễ cầu nguyện trên xa lộ, các cuộc mít tinh công cộng. Các giáo sĩ Hồi giáo cung cấp nền tảng giáo lý cho việc huy động đó bằng cách sử dụng Kinh Qur’an và diễn ngôn Hồi giáo làm cơ sở thần học và tôn giáo cho việc ủng hộ Anies. Thông qua lễ giảng đạo, họ thường thuyết rằng là người Hồi giáo thì bắt buộc (wajib) phải chọn một người Hồi giáo (tức là chọn Anies) làm người lãnh đạo chính trị và chính quyền cho mình, còn chọn một người không phải Hồi giáo (tức chọn Ahok) thì đó là phi pháp (haram). 

Xa hơn, các lãnh đạo Hồi giáo còn sử dụng (hay lạm dụng) thánh đường, các trung tâm Hồi giáo, kênh truyền hình, và nhiều biện pháp khác để đe dọa tín đồ Hồi giáo khi nói rằng ai chọn Ahok sẽ phải xuống Địa ngục sau khi chết. Họ cũng đe dọa tín đồ bằng cách nói rằng sẽ không cầu nguyện và làm lễ an táng cho người ủng hộ Ahok.Tồi tệ nhất, các phần từ Hồi giáo cực đoan khủng bố cư dân Jakarta, đe dọa nếu Ahok thắng cử, họ sẽ biến Jakarta thành “địa ngục” bằng cách tấn công người Hoa, tín đồ Thiên Chúa giáo, và những kẻ ủng hộ Ahok. Chúng thường xuyên cảnh cáo mọi người về “Thảm kịch tháng Năm” ở Jakarta năm 1998 khi những đám đông giận dữ tấn công bạo lực người Hoa (Kingsbury 2005; Sidel 2006). Đáng lưu ý thực tế rằng nhiều nhóm Hồi giáo vốn tách biệt nhau thì nay đột nhiên đoàn kết lại cùng chống Ahok người mà họ xem là “kẻ thù chung của Hồi giáo”, bất kể thực tế người liên danh với Ahok, Djarot, thực sự là một tín đồ Hồi giáo mộ đạo.

Các phong trào Hồi giáo cấp tiến đã thành công khi Anies đánh bại Ahok với tỷ lệ phiếu bầu 57,95% (Ahokkiếm được 42,05% lá phiếu cử tri). Bình luận sau bầu cử cho thấy rất nhiều người dân Jakarta, nhất là người Hồi giáo, đã không bầu Ahok, đặc biệt ở vòng hai, vì: (1) họ sợ lại tái diễn các cuộc bạo loạn chống người Hoa, người Thiên Chúa giáo, (2) họ sợ vi phạm các quy định của Kinh Qur’an và bị Chúa trừng phạt, (3) họ lo lắng khi họ hay thân nhân chết sẽ không có ai cầu nguyện và chôn cất, và (4) họ muốn tuân theo “huấn lệnh của Kinh Qur’an” yêu cầu người Hồi giáo phải ủng hộ ứng viên Hồi giáo làm lãnh đạo chính trị. Rõ ràng tôn giáo và bản sắc Hồi giáo đã thực sự liên đới trong cuộc bầu thống đốc Jakarta.    

 Các yếu tố của phong trào Hồi giáo cấp tiến ở Jakarta

Theo các báo cáo truyền thông, điểm chính khiến người Hồi giáo nổi loạn trong cuộc luận chiến Ahok là một buộc tội về sự báng bổ. Lời  buộc tội này dựa trên một đoạn video mà Buni Yani, một ủng hộ viên cho Anies Baswedan, đã biên tập và phát tán trên mạng xã hội tạo ấn tượng là Ahok cố tình trích dẫn sai Kinh Qur’an. Đoạn video kích hoạt những cuộc biểu tình lan rộng khắp các cộng đồng Hồi giáo, dấy lên yêu sách bắt giam Ahok vì tội báng bổ (rốt cuộc ông đã bị cáo buộc và bị tù giam hai năm).

Tuy nhiên, sẽ không đúng nếu cho rằng bài phát biểu của Ahok là nguyên nhân chính khiến người Hồi giáo phản kháng, bởi vì nỗi oán giận Hồi giáo đối với ứng viên đương nhiệm Thống đốc đã dâng cao trước khi có sự kiện ấy. Được xem là một thống đốc năng nổ tuy có phần lỗ mãng, việc Ahok tập trung vào điều hành, chống tham nhũng và đa nguyên đã đụng chạm đến lợi ích của giới chính trị và kinh doanh địa phương khiến chúng rốt cuộc đã liên kết với các lực lượng Hồi giáo cấp tiến để làm suy yếu và thách thức ông. Người ta cho rằng chiến dịch hất cẳng Ahok của họ dựa trên: (1) huy động tín đồ Hồi giáo bảo vệ đức tin,(2) tổ chức các cuộc biểu tình quần chúng, (3) tạo ra tâm trạng giáo phái với những bài phát biểu thù nghịch, (4) lạm dụng thánh đường cho các mục tiêu chính trị, (5) diễn giải văn bản và diễn ngôn tôn giáo để biện minh cho nghị sự chính trị của họ, và(6)hối lộ.

Nói cách khác, việc huy động Hồi giáo cực đoan là một phương tiện để theo đuổi các mục tiêu kinh tế, chính trị, hệ tư tưởng.  Các câu chuyện Hồi giáo và bản sắc tộc người là công cụ phục vụ cho lợi ích chính trị.

Istiqlal Mosque (Indonesian: Masjid Istiqlal, lit. ‘Independence Mosque’) in Jakarta, Indonesia is the largest mosque in Southeast Asia and the third largest Sunni mosque in term of capacity

 Indonesia không phải chỉ là Jakarta

Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng không nên nghĩ là những phát triển xung quanh cuộc bầu cử thống đốc Jakarta phản ánh những khuôn mẫu của tính tôn giáo đang gia tăng  trong xã hội Indonesia. Trước hết, đã có nhiều người Hoa và người không Hồi giáo bầu cho Anies, và cũng có người Hồi giáo bầu cho Ahok. Xa hơn, trong năm 2017 trên toàn Indonesia có 101 khu vực (tỉnh, huyện hay đô thị) tổ chức trực tiếp bầu thống đốc, thị trưởng hay người đứng đầu. Thế nhưng chỉ có ở Jakarta mới chứng kiến“liên minh không thần thánh” giữa những phần tử Hồi giáo cấp tiến với các nhóm lợi ích chính trị và kinh doanh tấn công vào chủ nghĩa thế tục nhằm huy động dân chúng cho nghị sự riêng của họ. Những bất ổn kiểu như vậy gần như không xuất hiện trong các cuộc cạnh tranh phiếu bầu ở những vùng có ứng viên không Hồi giáo và ứng viên người Hoa, như ở Singkawang, Ambon, Landak, Kupang, Bolaang Mongondow, Maluku Tenggara Barat, Seram Bagian Barat, Maluku, Tây Papua, và nhiều nơi khác. 2

Vấn đề là ở những cuộc tranh cử đó, đa số cử tri bỏ lá phiếu của mình không dựa trên bản sắc tôn giáo hay sắc tộc mà căn cứ vào thành tích, phẩm chất, uy tín, năng lực và tiềm năng của ứng viên. Một số ứng viên không Hồi giáo đã thắng cử ở những vùng như Solo, Ambon, Landak, Tây Kalimantan, và vài nơi khác. Ở Quận Singkawan thuộc Tây Kalimantan, một phụ nữ Hoa không Hồi giáo tên là Tjhai Chui Mie đã thắng cử. Ngay ở Jakarta, nhiều người Hồi giáo, nhất là những người gắn bó với tổ chức Hồi giáo lớn nhất nước mang tên Nahdlatul Ulama, các đảng và tổ chức chính trị theo chủ nghĩa quốc gia, và vô số nhóm Hồi giáo trung lưu đã chống lại phong trào Hồi giáo cấp tiến trong cuộc bầu cử thống đốc.

Cũng cần ghi nhận một thực tế là trên khắp Indonesia, rất nhiều người Hồi giáo đã tập hợp lại để chống lại việc nổi lên và hoạt động của các nhóm Hồi giáo chủ nghĩa và bác bỏ nỗ lực của các nhà truyền giáo cực đoan tác động đến công luận trong cộng đồng của mình. Thay vào đó, những phong trào dân sự dân chủ đa nguyên do các nhóm Hồi giáo ôn hòa, quốc gia chủ nghĩa và truyền thống dẫn dắt đã làm việc trên khắp đất nước để nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề chủ nghĩa Hồi giáo gây suy yếu như thế nào cho Hiến pháp Indonesia và hệ tư tưởng quốc gia Pancasila. Kết quả là Chính phủ Indonesia đã có những hoạt động lập pháp đặt hoạt động của các nhóm Hồi giáo chủ nghĩa ra ngoài vòng pháp luật. 3

Tất cả những điều trên dể nói rằng trong khi cuộc bầu cử Thống đốc Jakarta có thể là một sự thụt lùi, vẫn còn đó niềm hy vọng về một “Hồi giáo dân sự” ở Indonesia xiển dương tính đa dạng, khoan dung, dân chủ và đa nguyên. Chắc chắn lực lượng Hồi giáo bảo thủ không phải là hiện tượng mới ở Indonesia. Nhưng cũng là sự thực rằng người Hồi giáo chủ nghĩa đã luôn đấu tranh thúc đẩy chương trình nghị sự của họ dù bằng bầu cử, huy động xã hội hay bạo lực. Đó là vì ở Indonesia, chương trình nghị sự Hồi giáo chủ nghĩa quyết chống lại lịch sử, truyền thống và văn hóa của xã hội Indonesia vốn đề cao hòa bình, khoan dung và đa dạng tôn giáo.

Sumanto Al Qurtuby

Khoa Nghiên cứu Đại cương
Đại học King Fahd Dầu mỏ và Khoáng sản,
Dhahran, Saudi Arabia

Tài liệu Tham khảo

Burhani, Ahmad Najib. 2017. “Ethnic Minority Politics in Jakarta’s Gubernatorial Election,” Perspective No. 39: 1–6.
Hatherell, Michael and Alistair Welsh. 2017. “Rebel with a Cause: Ahok and Charismatic Leadership in Indonesia,” Asian Studies Review 41 (2): 174–90.
Kingsbury, Damien. 2005. Violence in Between: Conflict and Security in Archipelagic Southeast Asia. Australia: Monash Asia Institute.
Sidel, John T. 2006. Riots, Pogroms, Jihad. Religious Violence in Indonesia. Ithaca, NY: Cornell University Press.  

Notes:

  1. Anies được đề cử bởi Gerakan Indonesia Raya hay tên gọi ngắn là Gerindra (Đảng Phong trào Indonesia vĩ đại), do Trung tướng về hưu Prabowo Subiyanto sáng lậpvà đảng chính trị Hồi giáo Partai Keadilan Sejahtera (Đảng Phúc lợi và Công lý). Còn Ahok được đề cử bởi đảng chính trị dân tộc chủ nghĩa Partai Demokrasi Indonesia Perjuangan (Đảng Đấu tranh Dân chủ Indonesian), mà người đứng đầu là Cựu Tổng thống Megawati Soekarnoputri.
  2. Hội đồng Bầu cử Toàn quốc Indonesia (General Elections Commission, Komisi Pemilihan Umum) nêu danh sách ít nhất 22 khu vực bầu cử trong năm 2017, ở đó có ứng viên không phải người Hồi giáo. Xem:http://kbr.id/berita/02-2017/ini_22_pasangan_calon_kepala_daerah_nonmuslim_yang_diusung_partai_islam/88775.html. Truy cậpngày 10/10/2017.  và
  3. Chẳng hạn, Chính phủ Indonesiađã ban hành một quy định (Perppu No. 2/2017) cấm mọi tổ chức và nhóm xã hội (đặc biệt những nhóm Hồi giáo chủ nghĩa) có cương lĩnh, mục tiêu và chương trình nghị sự chống lại hệ tư tưởng quốc gia và Hiến pháp Indonesia.