Tháng 9 năm 2014, Tướng Prayuth, người đứng đầu cuộc đảo chính quân sự, thông báo trong một cuộc họp chính phủ cấp cao rằng ông là nạn nhân của một cuộc tấn công ma thuật do lực lượng chống chính quyền quân sự tiến hành. Một tờ báo địa phương cho biết Tướng Prayuth đổ lỗi cho “ma thuật hắc ám” (black magic) – sayasaat – đã làm ông viêm họng và đau cổ. Nhưng thành viên tham gia cuộc họp không phải lo ngại vì ông đã gửi đi lời nguyền chống lại những kẻ muốn làm suy yếu hệ thống quản lý của ông.
Từ năm 2011, tôi nghiên cứu điền dã dân tộc học ở một cơ quan Nhà nước. Các chuyên viên y tế Thái ở cơ quan đó cho rằng câu chuyện về lời nguyền và việc hóa giải lời nguyền của Tướng Prayuth bao phủ trên truyền thông là không đáng tin; rằng trong khi những viện dẫn ma thuật trong chính trị xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở Thái Lan thì sayasaat thực sự không có chỗ đứng trong thực tiễn chính trị. Nhưng điều này không có nghĩa là mọi phép thuật đều bị khước từ. Kim, một chuyên viên ở cơ quan nêu trên, nói “sayasaat là bạo lực và tham lam. Chỉ những người cả tin và ít học mới bị lừa phỉnh thôi”. Nhưng Kim cũng thừa nhận “có một số người có quyền lực đặc biệt”. Sử dụng một từ khác, từ barami, Kim cho rằng Hoàng gia, thần thánh, nhà sư, và Đức Phật đều có trong mình barami, nguồn gốc của mọi sự khôn ngoan.
Các nhà Thái học thường dịch barami là uy tín, thiên phú hay quyền lực siêu nhiên (xem Gray 1986, Johnson 2013, Jory 2002), nhưng Kim mô tả bằng tiếng Anh cho tôi chỉ đơn giản là “sự vĩ đại” (greatness). Đó là quyền lực siêu nhiên của những người thế thiên hành đạo – dharma. Trong truyền thống Theravada, vua là người có barami, tức có thể tác động không chỉ lên con người, mà còn lên bệnh tật, thời tiết, và mùa màng, bởi vì quyền lực thần thánh của Ngài tỏa ra mọi người và mọi vật xung quanh (Gray 1986:236). Như thế, sự vĩ đại là khả năng thiêng liêng của các vị vua trong việc lấp đầy khoảng cách giữa những luật lệ do con người định ra và dharma; các vị vua kết nối cái thiện của chính trị với cái thiện tuyệt đối, cái tốt “tự nhiên”, dưới một yêu cầu chung của luật lệ đạo đức.
Ở đây tôi đề cập đến các phương diện của lối nghĩ ma thuật trong nền chính trị Thái Lan không phải là để miệt thị nó là quá mê tín, mà để chỉ ra việc các cơ quan nhà nước Thái Lan đã khước từ mặt tiêu cực của chính trị bằng cách viện dẫn những nguồn chân lý siêu việt và sự viện dẫn này có liên quan đến những bối cảnh bên ngoài Thái Lan.
Kim thường giải thích cho tôi cách thức chứng kiến sự vĩ đại của Đức Vua trong đời sống hàng ngày. Nhắm vào những tác động phá hoại của chủ nghĩa tư bản ở các nước phương Tây, nhất là ở Hoa Kỳ, Kim lập luận rằng ở Thái Lan tình hình khá hơn vì có sự can thiệp của Đức Vua.
Kim nói, “Đức Vua đem lại cho chúng tôi ý tưởng về sự vừa đủ. Triết lý của Ngài về sự vừa đủ dạy chúng tôi không bám đít người phương Tây [tam kon farang]. Triết lí này dạy chúng tôi tôn trọng truyền thống Phật giáo của mình và ghi nhớ rằng việc khao khát chiếc iPhone mới, cuộc sống đô thị, hay sự ganh ghét với những gì hàng xóm có, mọi thứ ấy chỉ dẫn đến khổ đau mà thôi. Đức Vua bảo vệ chúng tôi khỏi các tệ nạn xã hội vốn đang hoành hành ở các nước phương Tây. Người phương Tây chỉ nghĩ đến kinh tế, họ không quan tâm đến đạo đức, thiên nhiên, tâm linh”.
Liên hệ đến người phương Tây mà tiếng Thái gọi là farang, Kim nhắc lại quan điểm của những người bảo hoàng rằng, Vua Bhumibol, người thường được gọi đơn giản là “Cha”, đã đấu tranh chống lại những ảnh hưởng từ bên ngoài và bên trong để lèo lái đất nước thoát khỏi sự phá hủy của chủ nghĩa tư bản. Ngài làm điều đó bằng cách chỉ dạy giá trị của việc tiêu dùng có ý thức. Kim tự hào tán thưởng quan điểm của các quan chức y tế cao cấp Thái Lan rằng “Triết lý kinh tế vừa đủ” (Sufficiency Economy Philosophy, SEP) của Nhà Vua thúc đẩy WHO đưa ra “mô hình cai trị dựa trên sức khỏe” (model of health-driven governance).
Mặc dù cách hiểu của WHO về quản trị sức khỏe khác với cách hiểu mang tính Phật giáo của người Thái, cả hai cách hiểu ấy đều nhấn mạnh việc phải suy nghĩ lại vấn đề lợi ích kinh tế và chính trị bị giới hạn một cách căn bản bởi các chu trình về môi trường và sinh học. Cả hai cách hiểu đều lập luận rằng các chính phủ, vốn bị điều khiển bởi cuộc cạnh tranh toàn cầu nhằm giành quyền lực kinh tế và chính trị, trước sau gì cũng phải có lời giải đáp cho những tình cảnh đang thách thức hạnh phúc và phúc lợi của con người. Cả hai đều yêu cầu một hình thái quản trị “đúng đắn” của giới kỹ trị, những người có khả năng đưa những vấn đề về sinh học tự nhiên vào việc hoạch định chính sách.
Chính vì thế mà giới cầm quyền sau cuộc đảo chính năm 2006 đã nhấn mạnh đến sự giống nhau giữa SEP (Triết lý kinh tế vừa đủ) và quan điểm của WHO về “chính sách có lợi cho sức khỏe” (healthy policy). Surayud Chulanot, viên tướng sau này trở thành lãnh đạo cuộc đảo chính, đã đặt những chuyên gia y tế như Kim vào vị trí tiên phong và trung tâm của các cuộc cải cách chính trị, ông còn tiến xa hơn bằng việc đưa sáng kiến của WHO về quản trị y tế và triết lí SEP của Nhà Vua vào hiến pháp mới.
Chính phủ quân sự của Surayud thúc đẩy sự thành lập của những cơ quan như cơ quan của Kim và đề cao cái gọi là “trở lại với đạo đức”. Chống lại Thủ tướng được bầu cử Thaksin Shinawatra, người thể hiện mình như là CEO của đất nước, chính quyền của Surayud nhấn mạnh đến những hậu quả về môi trường, xã hội và sức khỏe dưới sự cai trị của Thaksin, xem đó như là bằng chứng chứng tỏ rằng sự cai trị ấy chịu sự dẫn dắt của lợi nhuận vượt quá giới hạn của tự nhiên để phục vụ cho lòng tham của con người. Tự cho mình là người bảo vệ sự sức khỏe của quốc gia được Nhà Vua chuẩn thuận, Chính phủ quân đội lâm thời biện minh cho cuộc đảo chính như là một việc cần thiết để chống lại lòng tham ấy. Họ lập luận rằng Thaksin thiên vị kinh tế và bỏ qua dharma – bản chất và chân lý của sự vật, và do bỏ qua cái chân lý vốn là nền tảng của luật pháp và trật tự vũ trụ nên ông ta đã không có khả năng bảo vệ đất nước khỏi sự xuống cấp về môi trường, sự ốm yếu và sự chia rẽ.
Tom, một chuyên viên khác ở cơ quan nhà nước về y tế, ủng hộ quan điểm của Surayud và nghi ngờ nền dân chủ Thái sau khi đất nước quay trở lại chế độ dân sự vào năm 2011. “Thái Lan chưa sẵn sàng”, Tom giải thích, nền dân chủ có thể vận hành tốt ở phương Tây nhưng chỉ là một ảo tưởng trong bối cảnh hiện nay của Thái Lan. Theo Tom, người dân chưa có dân trí (wisdom) nên rất dễ bị lường gạt để bỏ phiếu cho giới chính khách vụ lợi. Chỉ có “những người tốt” – những người khỏe mạnh, ở đây là những người có dân trí, những người có thể đưa ra những quyết định sẽ dẫn những thành quả tốt về sức khỏe, những thành quả phù hợp với luật trời – mới có thể phục hồi được niềm tin đối với Nhà nước Thái. Đó là “những người tốt” giống như họ, các chuyên viên về sức khỏe.
Tán thưởng quan điểm của WHO về “một xã hội tri thức ở đó quyền lực và quyền uy không còn tập trung vào chính phủ nữa” (Kickbusch and Gleicher 2012: vi), các chuyên gia y tế như Tom và Kim mà tôi vừa nêu lập luận rằng chỉ những người không dính líu trực tiếp vào lợi ích chính trị mới có thể làm ra những chính sách phục vụ lợi ích chung. Triết lý kinh tế vừa đủ của Đức Vua và ý tưởng quản trị y tế của WHO, cả hai cho phép các chuyên viên sức khỏe thể hiện cái ảo tưởng về bản thân như là những người trung lập và khách quan, những người có khả năng điều đình nhân danh nhân dân.
Ở đây ta có cái có vẻ giống với mô hình kỹ trị cổ điển, một sự dàn xếp hậu chính trị thay thế không gian chính trị chuẩn tắc bằng thước đo sức khỏe và quản lý y tế. Nhưng như tôi đã đề cập ở trên, có một khía cạnh khác mà Kim nói về cai trị, một sự cai trị dựa trên quyền lực bí ẩn của barami. Không như kỹ năng chuyên môn, barami không thể thu nhận hay học hỏi được. Nó liên quan đến năng lực thiên phú của một số người nhất định, những người có khả năng truyền dharma. Còn chuyên gia là những người tự cho là có khả năng nhận biết được barami và được chuẩn thuận bởi barami. Vì thế, theo hình dung của các chuyên gia như thế, kỹ trị là kiểu cai trị mà ở đó mọi chuyên gia, với mức độ khác nhau, truyền đạt quyền lực hoàn vũ của Nhà Vua đã quá cố, bản thân Ngài được coi là chuyên gia tối cao. Bức ảnh treo trên tường nhà họ minh chứng rõ nhất cho mối liên hệ nổi bật giữa tri thức của họ và barami.
Khi Nhà Vua trao bằng (việc này về sau được giao cho các thành viên Hoàng gia), thì lễ trao bằng này có chức năng kép: nó vừa xác nhận việc hoàn thành một chương trình học, lại vừa ủy nhiệm cho người lĩnh bằng một sứ mạng Hoàng gia, một sứ mệnh được bất kì ai liên quan tiếp nhận một nghiêm túc. Điều luôn được thể hiện trong bức ảnh nhận bằng là hình ảnh người nhận bằng hướng tay lên cao khi nhận bằng và hiinfh ảnh người trao ngồi trên một cái ghế cao. Giữa người nhận bằng và Hoàng gia có mối liên kết đáng chú ý. Ở khoảnh khắc trao nhận bằng là sự kết nối khoảng cách giữa người tìm kiếm tri thức và người mang cội nguồn chân lý.
Khi ma lực của barami bôi trơn cái cơ chế mà qua đó chính trị ở Thái Lan được trung lập hóa, người ta có thể theo chân các nhà tư tưởng hậu chính trị (chẳng hạn Badiou 2008; Rancière 2006; Žižek2006) mà lập luận rằng, ý tưởng của WHO về quản trị dựa trên sức khỏe tự nó đã dựa trên sự thiêng hóa tri thức và thực tiễn khoa học, nó trao cho khoa học cái quyền đưa ra câu trả lời cuối cùng cho câu hỏi thế nào được coi là cai trị tốt. Như Ernesto Laclau (1996) nhận xét, ý tưởng về chính trị xuất hiện là do xã hội phát hiện ra rằng nó thiếu vắng một nền tảng hiến pháp, nó thiếu vắng một bộ luật tuyệt đối làm cho mọi người gắn kết với nhau. Nhưng ở nơi mà cái lỗ hổng trong xã hội đảm bảo sự ra đời của chính trị thì chính cái khoảng trống này mà các chuyên viên y tế cố gắng bít lại bằng barami và tri thức khoa học. Theo các chuyên gia như Tom, do thiếu nền tảng đạo đức trong xã hội nên các nhà chính trị tha hóa như Thaksin có thể thao túng quần chúng. Yok, một chuyên gia khác trong cơ quan Nhà nước, nói “Không có tri thức đúng đắn”. Yok tiếp tục, “còn người dân thì lại lắng nghe những người dạy họ làm sao để giàu nhanh”.
Tuy nhiên, vì tính đúng đắn này dựa trên chân lý siêu việt vốn không để ngỏ cho tranh luận công khai nên việc quản lý tiếng nói bất đồng diễn ra dưới hình thái đàn áp. Tính bạo lực này được thể hiện trong sự biện hộ của Tom về sự can thiệp quân sự chống lại chế độ dân chủ, và gần đây thể hiện trong tình trạng bạo lực chống lại người Thái, những người bị coi là không bày tỏ đủ nỗi đau buồn trước việc Nhà Vua băng hà. Trong thời kỳ quốc tang, hiệu trưởng các trường phổ thông tịch thu những bộ quần áo không phải màu đen hay trắng và trong một số trường hợp các nhóm tưởng niệm đã đánh đập và buộc những người bị xem là những kẻ hoài nghi phải quỳ lạy trước chân dung Đức Vua (Hình 1). Việc sử dụng bạo lực như thế phản ánh không chỉ cái mà Tom coi là hạn chế của những người không có dân trí để có thể đưa ra được những “lựa chọn lành mạnh” mà còn phản ánh hạn chế của những người tự cho là nắm được một chân lý trên mọi chân lý xã hội. Như Hanna Arendt lập luận (1972), chỉ những ai không đủ sức tạo nên sự đồng thuận mới phải dựa trên bạo lực để áp đặt cái mà họ xem là đúng.
Và đến đây thì những lập luận khác nhau ở trên của tôi đang hội tụ về một điểm . Mặc dù Kim khước từ quyền uy dựa trên bạo lực (như sayasaat của Tướng Prayuth), nhưng những người biện hộ cho mối liên kết giữa barami và tri thức khoa học toàn cầu tự thấy mình phải quay lại mối liên hệ đó như là một cách thức để duy trì chân lý, cái chân lí, theo công thức của họ, nên là hiển nhiên.
Trong khi Kim và những người khác trong cơ quan y tế nhà nước xem những người ủng hộ Thaksin đa phần là cả tin, ít học, và dễ dàng bị lôi cuốn bởi các ông tướng quân đội và chính khách vị kỉ, thì cũng có nhiều người xem các chuyên gia y tế là những người bị mê hoặc bởi một quyền lực bên ngoài họ. Kể từ khi quân đội nắm quyền vào năm 2006 thì ngày càng có nhiều người chống đối (lèse-majesté), ngày càng có nhiều người phê phán các cơ quan như cơ quan của Kim rằng những cơ quan ấy đang ủng hộ lợi ích của giới tinh hoa với cái giá gây hại cho nhân dân.
Michael Taussig nhắc nhở ta rằng nói về ma thuật là “ta đang nói về tri thức của cái tri thức vốn không thể tiếp cận được để cho tri thức ấy có thể tồn tại” (1987: 262). Và do đó, như Taussig chỉ rõ, ma thuật chỉ có thể vận hành khi một khía cạnh cơ bản của tư duy và của sự hiểu biết còn ở trong tình trạng ẩn. Đối với các chuyên viên sức khỏe kể trên, cái ẩn đó chính là barami. Chỉ khi khắc chế được cái chân lý đó thì ước mơ cai trị tốt mới có thể cất cánh.
Nhưng cái ý tưởng về việc cái thiện có thể giải quyết được tính mơ hồ cơ bản trong hạt nhân của chính trị lại vượt ra bên ngoài biên giới Thái Lan. Vì thế, ở đây tôi lập luận rằng, cái ý tưởng đó – và cả cái bạo lực bên dưới nó – đã được ngầm ẩn trong việc ta coi các sự kiện khoa học như là những chân lý phi lịch sử, những chân lý không thể có được trong các bối cảnh chính trị và kinh tế của thời đại này.
Daena Funahashi
Phó Giáo sư
Điều phối viên Chương trình Cao học Nhân học y học
Khoa Nhân học
Đại học Aarhus
Issue 22, Kyoto Review of Southeast Asia, September 2017
Tài liệu tham khảo
Arendt, Hannah. 1972. Crises of the Republic. San Diego, California: Harcourt.
Badiou, Alain. 2008. The Meaning of Sarkozy. London: Verso.
Gray, Christine. 1986. Thailand: The Soteriological State in the 1970s. Ph.D. Dissertation: University of Chicago.
Johnson, Andrew Alan. 2013. “Moral Knowledge and its Enemies: Conspiracy and Kingship in Thailand” in Anthropological Quarterly 86(4): 1059-1086.
Jory, Patrick. 2002. “The Vessantara Jataka, Barami, and the Bodhisattva-Kings: The Origins and Spread of a Premodern Thai Concept of Power” in Crossroads: An Interdisciplinary Journal of Southeast Asian Studies 16(1):179-80.
Kickbusch, Ilona and David Gleicher. 2012. “Governance for Health in the Twenty-First Century.” Copenhagen: World Health Organization Regional Office for Europe. http://www.euro.who.int/en/publications/abstracts/governance-for-health-in-the-21st-century.
Laclau, Ernesto. 1996. “Deconstruction, Pragmatism, Hegemony.” In Deconstruction and Pragmatism. Chantal Mouffe (ed.), London: Routledge. Pp. 47-68.
Rancière, Jacques. 2006. Hatred of Democracy. London: Verso.
Taussig, Michael. 1987. Shamanism, Colonialism and the Wild Man: A Study of Terror and Healing. Chicago: University of Chicago Press.