Trước những tác động của tiến trình toàn cầu hóa, đời sống văn hóa của cư dân ở các khu đô thị mới cũng đặt ra nhiều vấn đề mới mà các nhà hoạch định chính sách và quản lý văn hóa phải quan tâm chú ý và có những biện pháp phù hợp, hiệu quả. Trên cơ sở khái quát hiện trạng xây dựng đời sống văn hóa tại khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích giúp chính quyền địa phương và các nhà quản lý nhận diện các vấn đề một cách rõ ràng hơn và rút ra được các bài học kinh nghiệm cho vấn đề này khi xây dựng các khu đô thị mới trong tương lai.
Mở đầu
Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng có một phần phường Tân Phong và Tân Phú nằm trên địa bàn Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh, là nơi tập trung sinh sống của những người có thu nhập cao; diện tích được phép khai thác và phát triển gồm 5 cụm đô thị với 750 ha, tạo thành một trung tâm thương mại, tài chính quốc tế; phường Tân Phong có 3.184 người nước ngoài (chiếm 50,4% tổng số người sinh sống trên phường), phường Tân Phú có 2.988 người nước ngoài (chiếm 30,3% tổng số người sinh sống trên phường). Do đó, hơn 38% số người sống ở đó là người nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Trung Quốc, cùng những quốc gia khác. (Ủy ban nhân dân Quận 7, 2022).
Trước những tác động của tiến trình toàn cầu hóa, các khu đô thị mới đang phát triển rất nhanh và sôi động. Đời sống văn hóa của cư dân nơi đây cũng đặt ra nhiều vấn đề mới mà các nhà hoạch định chính sách, quản lý văn hóa quan tâm chú ý và có những biện pháp quản lý phù hợp, hiệu quả. Khu đô thị mới đã và đang hình thành ngày càng nhiều và trở thành một phần không thể thiếu ở các thành phố. Trong xu thế hiện nay, việc xây dựng các khu đô thị mới đều hướng tới môi trường có chất lượng sống tốt nhất, tạo nên mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa con người và thiên nhiên (Vũ Thị Hồng Tứ, 2020). Trên thực tế, chính quyền Thành phố coi khu đô thị Phú Mỹ Hưng là hình mẫu để tham khảo để phát triển các đô thị khác.
Kết quả nghiên cứu
Vấn đề lối sống của cộng đồng dân cư
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng là nơi tập trung sinh sống của những người có thu nhập cao nên thói quen, lối sinh hoạt cũng mang tính chất cao cấp, cách thức sinh hoạt khép kín và ít tham gia hoạt động cộng đồng. Phần lớn cư dân người Việt và người nước ngoài có lối sống lành mạnh, nề nếp và thích tham gia tập luyện thể thao. Bên cạnh đó, nhịp sống của mỗi cư dân nơi đây cũng trở nên tất bật, thời gian cha mẹ dành cho con cái ngày càng thu hẹp, sự gắn kết giữa các hộ gia đình trong khu dân cư/nhà chung cư rất lỏng lẻo. Người dân có trình độ dân trí cao nên có ý thức chấp hành pháp luật và ứng xử văn hóa ở các khu đô thị mới gần như giống nhau. Tuy nhiên, đối với những nhà chung cư chưa có Ban quản trị thì sự chấp hành và tuân thủ chỉ mang tính tương đối; đa phần người dân sinh sống biệt lập và bất đồng về ngôn ngữ và văn hóa bản địa nên ít có mối quan hệ cộng đồng.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư
Cư dân Phú Mỹ Hưng nhìn chung đều tham gia vào các hoạt động của các nhóm cư dân, với hơn 50% cư dân Phú Mỹ Hưng tham gia và phần lớn là người Việt Nam. Nội dung sinh hoạt đảm bảo theo Luật thực hiện Dân chủ ở cơ sở (2022), khuyến khích cư dân nước ngoài tham gia xây dựng nếp sống tự quản, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, tố giác các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Các nhà sinh hoạt cộng đồng tại các chung cư, văn phòng khu phố, công viên chuyên đề,…trong khu đô thị mới luôn thu hút sự tham gia của đại đa số người nước ngoài và người Việt, là các thiết chế văn hóa cơ sở quan trọng đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh hoạt văn hóa – thể thao của người dân, là cầu nối quan trọng để hòa hợp ngôn ngữ và tiếp biến văn hóa giữa các quốc gia. Dưới sự tác động của chính quyền địa phương, các hoạt động văn hóa – thể thao, lễ hội, ẩm thực…được tổ chức thường xuyên với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng thể hiện tinh hoa văn hóa của nhiều quốc gia, dân tộc, thu hút sự tham gia của đại đa số người Việt và người nước ngoài, hướng đến sự hội nhập quốc tế và hòa hợp dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và cộng đồng quốc tế nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho toàn bộ cư dân.
Các hoạt động giao lưu về lĩnh vực thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên trong khu vực lân cận, thu hút hơn 50% người nước ngoài sinh sống tại Phú Mỹ Hưng tham gia các câu lạc bộ như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, tennis,… Ngoài ra, hàng năm chính quyền địa phương và doanh nghiệp phối hợp tổ chức các sự kiện văn hóa, giải trí, thể thao quy mô lớn nhằm thu hút sự tham gia của người dân địa phương và đại đa số cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Phú Mỹ Hưng, điển hình như: Hội chợ hoa xuân, Đêm nhạc Trình Công Sơn, Hưởng ứng Giờ Trái đất, Đạp xe vì môi trường, đi bộ từ thiện Lawrence S.Ting, chạy bộ ủng hộ bệnh nhân ung thư Terry Fox, Lễ hội Hoa sen miền Nam,…
Bên cạnh đó, địa phương luôn duy trì hoạt động các câu lạc bộ, đội nhóm, tổ chức nhiều giải thể thao quần chúng chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước góp phần tăng cường sức khỏe và tạo sự gắn kết trong cộng đồng. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện và duy trì lễ chào cờ nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 hàng năm kể từ năm 2009 đến nay ở chung cư Sky đã lan tỏa sang các chung cư khác, kể cả thu hút sự tham gia của đại đa số cư dân nước ngoài, thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Kết quả xây dựng và công nhận các danh hiệu văn hóa tại cơ sở
Trong năm 2021, phường Tân Phong có 2.287 hộ gia đình (80%) đăng ký và đạt 100% hộ gia đình được công nhận Gia đình văn hóa; còn ở phường Tân Phú có 2.170 hộ gia đình (100%) đăng ký và có 95,2% hộ gia đình được công nhận Gia đình văn hóa. Trong năm 2021 và 2022, cả 3 khu phố của phường Tân Phong đều được công nhận đạt chuẩn khu phố văn hóa và phường Tân Phú có 1/6 khu phố được công nhận. (Ủy ban nhân dân Quận 7, 2022).
Với kết quả này cho chúng ta thấy, việc các hộ gia đình đăng ký và tích cực tham gia xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa ở khu đô thị mới ngày càng được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, đặc biệt các hộ gia đình người nước ngoài, giúp lan tỏa các giá trị văn hóa và hiệu quả phong trào đến các khu đô thị mới khác; Theo thống kê của chính quyền địa phương, 90% tổng số hộ gia đình người nước ngoài tại Phú Mỹ Hưng đăng ký tham gia xây dựng gia đình văn hóa. Trong đó, phường Tân Phong có 795 hộ và phường Tân Phú có 996 hộ. Nhờ đó phong trào đã phát huy tác dụng thiết thực trong cuộc sống và trở thành những chuẩn mực về nếp sống, lối sống, quan hệ văn hóa đa sắc tộc trong cộng đồng.
Đánh giá
Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được triển khai đồng bộ; nội dung sinh hoạt được thực hiện sôi nổi; cách thức tuyên truyền được chuyển tải thành nhiều ngôn ngữ khác nhau; tình hình an ninh và trật tự xã hội luôn được đảm bảo. Cư dân có trình độ dân trí cao nên ý thức chấp hành pháp luật tốt. Bên cạnh đó, khu đô thị được bố trí nửa biệt lập, nửa mở rộng nên thuận lợi cho việc giao lưu giữa các khu phố lân cận. Mặt khác, quy hoạch diện tích cây xanh đạt chuẩn, không có đất hoang hóa, ao tù, đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị; nhà sinh hoạt cộng đồng có diện tích lớn, thuận lợi cho việc tổ chức các mô hình giao lưu văn hóa – thể thao tại địa phương.
Cư dân tại các chung cư trong khu đô thị mới rất khó kết nối; công tác quản lý nhân khẩu, an ninh trật tự, công tác tuyên truyền, phổ biển giáo dục pháp luật đến người nước ngoài còn gặp nhiều hạn chế. Do vậy, việc nắm bắt tình hình dư luận xã hội gặp nhiều khó khăn. Hiện nay cư dân có nhu cầu nuôi thú cưng nên có tình trạng thả rong súc vật và để súc vật phóng uế nơi công cộng. Việc triển khai thực hiện các tiêu chuẩn văn hóa đối với khu đô thị Phú Mỹ Hưng có nhiều nội dung không còn phù hợp.
Kết luận và bài học kinh nghiệm
Cư dân khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng là nơi hội tụ nhiều quốc gia, dân tộc, trình độ văn hóa, nghề nghiệp và thu nhập khác nhau. Mỗi hộ dân người Việt và nước ngoài đến sinh sống, làm việc tại đây mang theo phong tục, thói quen khác nhau vào cuộc sống hiện đại. Do vậy để dung hòa được những khác biệt đó, không phải là câu chuyện một sớm – một chiều. Từ thực tiễn cho thấy, xây dựng một khu đô thị thì dễ nhưng để xây dựng một cộng đồng văn minh đa sắc tộc ở khu đô thị thì không dễ dàng gì. Thật vậy, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng phải mất 20 năm mới xây dựng cơ bản được nếp sống văn minh, nề nếp trong cộng đồng này.
Để xây dựng được khu đô thị mới thì nhà cửa, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các công trình trong đô thị đóng vai trò là nền tảng, yếu tố con người đóng vai trò là chủ thể tạo nên tính nhân văn và tạo nên cộng đồng trong khu đô thị. Thật vậy, với những người có điều kiện kinh tế thì khi họ mua nhà còn là mua lối sống, chọn hàng xóm, lựa chọn cộng đồng cho bản thân, gia đình của họ hòa nhập vào đó, cộng đồng mang tính quốc tế.
Việc triển khai công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương, chính sách, các phong trào hoạt động tại địa phương muốn hiệu quả cần được chuyển thể thành các thứ tiếng thông dụng như: Anh, Nhật, Hàn,…Đồng thời, kết hợp phát huy vai trò vận động của các tổ chức xã hội quần chúng, mặt trận đoàn thể, lồng ghép các cuộc vận động, các phong trào thi đua hiện có trong xã hội để cùng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị – xã hội của địa phương với phương châm “phát huy tốt nội lực của mỗi người dân, mỗi gia đình, trong dòng họ và cộng đồng dân cư, không phân biệt người Việt hay người nước ngoài” hướng đến sự hội nhập quốc tế và hòa hợp dân tộc, xứng đang với tên gọi “khu đô thị Phú Mỹ Hưng – Khu độ thị kiểu mẫu”./.
Nguyễn Minh Nhựt
People’s Council of the Ho Chi Minh City
Email: nhut227@gmail.com
Translated and edited by David Koh
Banner: HCM, District 7. Crescent in Phu My Hung urban area. Photo: vinh loc
References
Vũ Thị Hồng Tứ. (2020). Đời sống văn hóa của cư dân tại khu đô thị mới, Tạp chí Văn hóa – Nghệ thuật, số 432, tháng 6-2020.
Viện Văn hóa – Bộ Văn hóa. (1984). Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Hà Nội.
Ủy ban nhân dân Quận 7. (2022). Báo cáo số 3951/BC-UBND ngày 12 tháng 10 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Quận 7 về tình hình xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư Quận 7.
Ủy ban nhân dân Quận Bình Thạnh. (2022). Báo cáo số 463/BC-UBND-BCĐ ngày 13 tháng 10 năm 2022 của Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh về tình hình xây dựng đời sống văn hóa tại các khu đô thị mới trên địa bàn quận Bình Thạnh năm 2022.