Thể chế hóa và Chính trị hóa Tôn giáo ở Malaysia Hiện nay

Yvonne Tew

Năm 2016, lãnh đạo đảng đối lập Đảng Hồi giáo liên Malaysia (Pan-Malaysian Islamic Party, PAS) đề xuất một dự luật nhằm mở rộng quyền lực của Tòa án Syariah ở Malaysia để áp đặt các án phạt hà khắc hơn nữa. Dự luật gây ra phản đối mạnh mẽ từ xã hội dân sự và các nhóm đối lập, nhưng cũng nhận được ủng hộ từ những thành phần khác trong xã hội Malaysia thể hiện bằng một cuộc biểu tình lớn ủng hộ dự luật diễn ra ở Kuala Lumpur tháng 2/ 2017. Mặc dù liên minh cầm quyền Barisan Nasional (Liên minh Mặt trận Dân tộc) đã làm ngưng cuộc tranh luận nghị trường về dự luật, nhưng trước đó nó cũng tuyên bố ủng hộ các đề xuất, và mới đây một bộ trưởng khẳng định Chính phủ cam kết tăng cường phát triển Hồi giáo ở đất nước. 1

Hai thập niên qua, hiện tượng ngày càng Hồi giáo hóa trong diễn ngôn chính trị và pháp lý Malaysia làm dấy lên cuộc tranh luận phân cực về vấn đề bản sắc quốc gia là thế tục hay Hồi giáo. Xu hướng đề cao vị thế của Hồi giáo là kết quả của một sự dịch chuyển liên tục và sâu xa từ nền móng thế tục ban đầu của Nhà nước Malaysia sang một trật tự thể chế ngày càng tôn giáo tính.

Hình thành Hiến pháp và Sự Ra đời của Một Quốc gia

Dự thảo Hiến pháp Malaysia khi lập quốc phản ánh những yêu sách đối chọi nhau của xã hội Malaysia đa tộc người, bao gồm trước hết tộc người Malay đa số và tộc người Hoa và Ấn Độ thiểu số. Hiến pháp độc lập có hiệu lực khi Liên bang Malaya không còn là thuộc địa của Anh và trở thành quốc gia độc lập ngày 31/8/1957.

Một biểu hiện của khế ước xã hội được hiệp thương khi thành lập quốc gia là Điều 3(1) Hiến pháp tuyên bố rằng: “Hồi giáo là tôn giáo của Liên bang, nhưng các tôn giáo khác có thể được thực hành trong hòa bình và hài hòa”. Các tường trình lịch sử cung cấp bằng chứng cho thấy những người tham gia quá trình soạn thảo Hiến pháp minh định rằng Điều 3(1) sẽ không làm suy yếu nền tảng thế tục của Hiến pháp. 2 Thẩm phán Abdul Hamid, thành viên duy nhất trong Hội đồng Hiến pháp ủng hộ Điều 3(1), mô tả mệnh đề Hiến pháp Hồi giáo là “vô hại,” lập luận rằng nó sẽ không “ngăn cản Nhà là thế tục”. 3 Vì thế, Điều 3(4) của Hiến pháp khẳng định “không có gì trong Điều khoản này làm phương hại đến những điều khoản khác trong Hiến pháp” và Điều 11(1) bảo đảm rằng “mọi người có quyền tuyên xưngvà thực hành” tôn giáo của mình.

Chính trị hóa Hồi giáo

Cách hiểu vốn có ban đầu về mệnh đề thể chế Hồi giáo trong Điều 3(1) đã thay đổi sâu sắc kể từ hồi đó. Một phần tư thế kỷ qua, Điều 3(1) đã bị các chủ thể chính trị và pháp lý cầm giữ như là một căn cứ để mở rộng địa vị của tôn giáo trong trật tư chung.

Chính trị hóa Hồi giáo đã trở thành tâm điểm đấu tranh giữa Đảng Dân tộc Malay Thống nhất (UMNO), một thành viên trong Barisan Nasional, và PAS. Có một cơ sở cử tri bảo thủ trước hết ở các bang miền Bắc của bán đảo Malaysia, PAS luôn cam kết đấu tranh cho một nhà nước Hồi giáo. Đảng đối lập giành được quyền kiểm soát bang Kelantan từ 1990 đến tận ngày nay, nó cũng từng giành quyền lãnh đạo bang Kedah (2008-2013) và bang Terengganu (1999-2004).

PAS nổi lên như là một đảng Hồi giáo đối lập đã mở ra chính trường cạnh tranh giữa PAS và UMNO bắt đầu từ thập niên 1980 và trở nên căng thẳng trong thập niên 1990 ở một nước mà người Hồi giáo Malay chiếm đa số cử tri.

Đương đầu với bối cảnh ấy, tháng 9/2001 Thủ tướng lúc đó là Mahathir Mohamad tuyên bố “UMNO muốn minh định rõ ràng rằng Malaysia là một Nhà nước Hồi giáo”. 4 Tuyên bố của Mahathir Mohamad sau này được lặp lại bởi Najib Razak, khi đó là Phó Thủ tướng và hiện là Thủ tướng, người bác bỏ ý tưởng Malaysia là một nhà nước thế tục khi tuyên bố “đạo Hồi là tôn giáo chính thức của chúng ta và chúng ta là một Nhà nước Hồi giáo”. 5 Tháng 10/ 2017, một vị thứ trưởng thuộc Văn phòng Thủ tướng khẳng định Chính phủ Barisan Nasional duy trì cam kết xây dựng Malaysia thành một Nhà nước Hồi giáo. 6

Cuộc tranh cãi Hồi giáo hóa ở Malaysia đẩy cái vị trí hiến pháp của đạo Hồi vào tâm điểm nổi bật trong công luận. Căng thẳng về vị trí hiến pháp của Hồi giáo còn trở nên phức tạp hơn nữa với định nghĩa trong Hiến pháp về một người Malay, trong số những nhóm người khác, là người “vốn được tuyên xưng là thuộc Hồi giáo”. 7 Bên cạnh việc bản sắc tôn giáo và bản sắc tộc người vốn được xem như là kết nối chặt chẽ với nhau trong xã hội Malaysia, địa vị của đạo Hồi được xem là gắn kết mật thiết với vị thế đặc biệt của người Malay. 8 Vài thập niên qua chứng kiến sự ghi khắc ý tưởng về tính ưu việt Malay gắn kết chặt chẽ với chủ nghĩa quốc gia Hồi giáo-Malay trong phần lớn xã hội Malaysia. 9

 Phán xử Tôn giáo ở Malaysia Hiện đại

Tòa án đóng vai trò thiết yếu trong việc pháp chế hóa tôn giáo ở Malaysia. Điều 3(1) trở thành tâm điểm tranh đấu về bản sắc thể chế của Nhà nước Malaysia và ngày nay khó mà còn có thể coi đó là điều “vô hại” nữa. Những người thế tục lập luận rằng vị trí của đạo Hồi chỉ có ý nghĩa nghi lễ, rằng nền tảng của Hiến pháp Malaysia là thế tục. 10 Những người yêu cầu thừa nhận Malaysia là một Nhà nước Hồi giáo thì lập luận rằng Điều 3(1) đề cao vai trò của đạo Hồi trong lĩnh vực công. Cách diễn giải mở rộng Điều 3(1) như thế mâu thuẫn hoàn toàn với cách hiểu mệnh đề thể chế Hồi giáo mà Toà án Tối cao đã tuyên bố trong một quyết định mang tính dấu mốc năm 1988, Che Omar v. Public Prosecutor. Tòa khi đó tuyên bố rằng địa vị của Hồi giáo trong Điều 3 chỉ giới hạn vào những “hoạt động liên quan đến nghi thức và lễ nghi”(rituals and ceremonies), và rằng luật pháp của đất nước là luật pháp thế tục. 11 Hai năm sau, Tòa Tối cao tái khẳng định cơ sở thế tục của Hiến pháp, căn cứ trên những tuyên bố của các nhà lập pháp rằng thừa nhận đạo Hồi là tôn giáo nhà nước “không ảnh hưởng theo bất cứ cách thức nào đến các quyền dân sự của những người không Hồi giáo”. 12

Cách hiểu đó nhanh chóng thay đổi. Hai thập niên qua là một dịch chuyển đầy kịch tính trong diễn ngôn pháp lý ở Malaysia theo hướng đề cao vị thế của Hồi giáo trong trật tự thể chế. Các tòa dân sự tránh thực thi thẩm quyền trong một số lĩnh vực then chốt mà hàm ý đến những quyền được Hiến pháp bảo đảm như tự do tôn giáo và bình đẳng. Các thẩm phán tòa thế tục hết sức tôn kính nhường lại thẩm quyền cho các tòa án Syariah; kết quả là, quyền hạn và quyền lực định chế của tòa án tôn giáo đã mở rộng rất lớn.

Chẳng hạn, xem câu chuyện của Lina Joy. Sinh ra trong một gia đình Hồi giáo Malay, Lina Joy sau đó cải sang Thiên chúa giáo và định kết hôn với một vị hôn phutheo đạo Thiên chúa. Vì cô vẫn được công nhận chính thức là người Hồi giáo và thuộc thẩm quyền của luật Syariah, nên cô không thể cải đạo như vậy được. Đó là vì người theo đạo Hồi thì phải kết hôn theo Luật Gia đình Hồi giáo năm 1984 (trong lãnh thổ Liên bang), đạo luật này cấm kết hôn với người không theo đạo Hồi. Cơ quan đăng ký quốc gia từ chối thay đổi vị thế tôn giáo trên căn cước của cô nếu không có một chứng thư bỏ đạo được Tòa án Sharia cấp.

Lina Joy kháng cáo lên tòa dân sự trên căn cứ rằng sự cải đạo của mình được bảo hộ dưới Điều 11 về quyền tự do tôn giáo. Năm 2007, Tòa Phúc thẩm Tối cao Malaysia ra phán quyết chống lại cô, viện dẫn việc cô rời bỏ đạo Hồi không được bảo vệ bởi Hiến pháp bảo đảm quyền “tuyên xưng và thực hành” tôn giáo; mà đây là vấn đề do tòa Syariah quyết định. Đa số Toà Liên bang xem việc bỏ đạo là việc liên quan đến Luật Hồi giáo, do đó nằm trong thẩm quyền của Tòa Shariah. 13 Lời kết luận trần trụi trong Lina Joy được Tổng Chưởng thể hiện một cách chặt và trôi chảy, hướng đến số đông mọi người:  “người ta không thể từ bỏ hay chấp nhận một tôn giáo theo ý thích và sở thích bất chợt riêng của mình được”. 14Một lĩnh vực pháp lý gây tranh cãi khác là những tranh chấp về cải đạo và quyền nuôi con giữa một người phối ngẫu cải sang đạo Hồi và một phối ngẫu không theo đạo Hồi. Đó là khi một bên cha mẹ (thường là cha) cải sang Hồi giáo cho bản thân và cho cả con mình mà bên cha mẹ kia không biết. Rồi người cha mới cải đạo ấy thỉnh cầu lên tòa án Syariah xin ly hôn và giành quyền nuôi con. Vấn đề? Người mẹ không phải Hồi giáo không thể kháng cáo án lệnh mà tòa án tôn giáo đưa ra về cải đạo và quyền nuôi con vì người không theo đạo Hồi thì không thể tiếp cận tòa án Syariah.

Trường hợp Indira Gandhi minh họa cho nghịch lý về thẩm quyền đó. 15 Vợ chồng cô theo đạo Hindus khi họ kết hôn trên căn cứ luật dân sự. Rồi sau đó, chồng cũ của cô cải sang đạo Hồi và bí mật cải đạo cho ba người con của họ ở tòa án Syariah. Tòa Phúc thẩm đã bác án lệnh của một tòa cấp dưới ngăn chặn việc cải đạo cho trẻ em ở tòa Syariah. Tòa tuyên bố, không nghi ngờ gì nữa việc cải sang đạo Hồi rõ ràng là một vấn đề tôn giáo mà chỉ tòa Syariah mới có thể quyết định. 16 Trường hợp của Indira Gandhi, hiện còn chưa được giải quyết ở Tòa án Liên bang, là một minh họa khác cho vấn đề thẩm quyền đầy khiếm khuyết xuyên suốt hệ thống pháp chế kép có cả tòa thế tục và tòa tôn giáo ở Malaysia.

Diễn giải của các tòa dân sự mở rộng mệnh đề thể chế Hồi giáo ở Điều 3(1) cũng dẫn đến việc nâng cao vị trí của đạo Hồi trong trật tự công. Các thẩm phán tòa dân sự vận dụng vị thế của Hồi giáo như là một lăng kính để diễn giải phần còn lại của Hiến pháp.

Năm 2009, Bộ Nội vụ ra sắc lệnh cấm Tổng Giám mục Công giáo Titular của Giáo xứ Kuala Lumpur được sử dụng từ “Allah” trên Herald, một tờ nhật báo tiếng Malay của Giáo phận. 17 Giáo hội kháng nghị lệnh này viện dẫn rằng nó vi phạm quyền của nhà thờ được tuyên xưng và thực hành tôn giáo của mình. Năm 2013, ủng hộ lệnh cấm của Chính phủ, Tòa Phúc thẩm phán quyết rằng quyền tự do của nhà thờ không bị vi phạm vì từ “Allah” không phải là một phần không thể tách rời của đức tin và thực hành Thiên chúa giáo. 18 Theo Tòa, mục tiêu của Điều 3(1) “là bảo vệ tính thiêng liêng của đạo Hồi với tính cách là tôn giáo của đất nước, và cũng để chống lại bất kỳ mối đe dọa hiện hữu nào cũng như bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào đối với đạo Hồi”. 19

 Chính trị Thể chế và Tôn giáo ở Malaysia Đương đại

Tranh cãi về địa vị của tôn giáo tiếp tục sôi động ở nước Malaysia hiện đại. Những phát triển chính trị gần đây cho thấy liên minh cầm quyền ở Malaysia miễn cưỡng đối phó với những thách thức từ sự nổi lên của chủ nghĩa bảo thủ Hồi giáo. Bên cạnh việc cho ngưng thảo luận về các đề xuất tăng quyền lực ra án phạt cho tòa Syariah, tháng 8/2017 Chính phủ cũng rút lại dự luật cấm cải đạo cho trẻ em mà không có sự đồng ý của cả cha và mẹ, nhằm giải quyết xung đột về việc cải đạo trẻ em giữa cha mẹ một người cải đạo còn người kia không theo đạo Hồi.

Toà án đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định những bên tham gia trong cuộc tranh cãi về địa vị của tôn giáo trong trật tự công Malaysia. Trong khi người ta chú ý nhiều đến căng thẳng trong chính trị và dân chúng, thì lĩnh vực pháp lý có ý nghĩa vô cùng lớn với tính cách là một địa bàn của những xung đột ấy. Cuộc chiến pháp lý hai thập niên vừa qua nhấn mạnh ý nghĩa của những vấn đề về tôn giáo và chủ nghĩa thế tục đối với một quốc gia đang ở ngã tư đường minh định bản sắc của mình. Tranh cãi về địa vị của Hồi giáo trong trật tự thể chế phản ánh cuộc chiến đấu sâu xa đang tiếp diễn vì linh hồn của Hiến pháp ở Malaysia đương đại.

Yvonne Tew
Phó Giáo sư Luật, Trung tâm Luật, Đại học Georgetown
Associate Professor of Law, Georgetown University Law Center

banner Image: Statue of Tunku Abdul Rahman outside the Malaysian House of Parliament. He served as the first Chief Minister of the Federation of Malaya from 1955 to 1957, before becoming Malaya’s first Prime Minister after independence in 1957.

Tài liệu Tham khảo

Joseph M. Fernando, The Position of Islam in the Constitution of Malaysia, 37 Journal of Southeast Asian Studies 249 (2006)
Joseph Chinyong Liow, Religion and Nationalism in Southeast Asia (2016)
Yvonne Tew, Originalism at Home and Abroad, 52 Columbia Journal of Transnational Law 780 (2014).

Notes:

  1. Chính phủ BN cam kết xây dựng Malaysia thành một Nhà nước Hồi giáo (BN government committed to make Malaysia an Islamic state), Malay Mail Online, (October 14, 2017), http://www.themalaymailonline.com/malaysia/article/bn-government-committed-in-making-malaysia-an-islamic-state.
  2. Xem, chẳng hạn, Report of the Federation of Malaysia Constitutional Commission (London: Her Majesty’s Stationery Office, 1957) (Reid Report) at ¶ 11.Xem tổng quan chung Joseph M. Fernando, The Position of Islam in the Constitution of Malaysia, 37 Journal of Southeast Asian Studies 249 (2006).
  3. Reid Report, đoạn 11.
  4. Xem Mahathir Mohamad, Bài phát biểu tại Cuộc gặp chung hàng năm lần thứ 30 của Đảng Gerakan Malaysia, (ngày 29 tháng 9, 2001), đoạn18,  truy cập tại http://www.pmo.gov.my/ucapan/?m=p&p=mahathir&id=482 (do tác già dịch từ tiếng Malay).
  5. Malaysia Not Secular State, Says Najib, Bernama, (July 17, 2007).
  6. Xem footnote 1.
  7. Fed. Const. (Malay.), art. 160.
  8. Tài liệu đã dẫn. art. 153(1).
  9. XemJoseph Chinyong Liow, Religion and Nationalism in Southeast Asia 135-74 (2016).
  10. XemYvonne Tew, Originalism at Home and Abroad, 52 Colum. J. Transnat’l L. 780 (2014).
  11. Che Omar bin Che Soh v. Public Prosecutor [1988] 2 Malayan L.J. 55, 56-57.
  12. Teoh Eng Huat v. Kadhi Pasir Mas (1990) 2 Malayan L.J. 300, 301-02.
  13. Lina Joy, (2007) 4 Malayan L. J. 585, đoạn16.
  14. ài liệu đã dẫn, đoạn14 (dịch từ tiếng Malay).
  15. Pathmanathan a/l Krishnan v. Indira Gandhi a/p Mutho (2016) Current L. J. 911.
  16. ài liệu đã dẫn, đoạn 33.
  17. Menteri Dalam Negeri & Ors v. Titular Roman Catholic Archbishop of Kuala Lumpur (2013) Malayan L. J. 468 (Court of Appeal).
  18. Tài liệu đã dẫn, đoạn51.
  19. Tài liệu đã dẫn, đoạn33.