Site icon Kyoto Review of Southeast Asia

Từ Lúc Chết Đến Lúc Sinh Ra: Tiểu Sử, Bối Cảnh Tôn Giáo, Và Tưởng Nhớ Về Thích Quảng Đức Và Vụ Tự Thiêu Của Ngài

Vào ngày 11 tháng 6 năm 1963, một nhà sư lớn tuổi người Việt Nam tên là Thích Quảng Đức đã tự thiêu tại một giao lộ đông đúc ở Sài Gòn. Hành động này đã để lại một hình ảnh không thể phai mờ về chiến tranh Việt Nam. Điều này một phần là do những bức ảnh mang tính biểu tượng được phóng viên của Associated Press tên Malcolm Browne chụp. Những bức ảnh này, mặc dù ghi lại một cái chết tỉ mỉ, nhưng chỉ thực chất chỉ là lần theo hình ảnh ngọn lửa bốc lên trên cơ thể của vị nhà sư Phật giáo này. Thậm chí một ngày sau, khi những bức ảnh được lan truyền khắp thế giới, tất cả những gì được biết về nhà sư Phật giáo vẫn không đáng kể và trông chúng giống như là một báo cáo của cảnh sát. David Halberstam viết: “Một tu sĩ Phật giáo 73 tuổi đã tự tử để làm cho cuộc phản đối của Phật tử chống lại các chính sách của Chính phủ về tôn giáo trở nên kịch tính 1

Tự thiêu. Journalist Malcolm Browne’s photograph of Quảng Đức during his self-immolation. This photograph won the 1963 World Press Photo of the Year. Wikipedia Commons
Another photograph of the scene by Browne. Original black and white photo: Wikipedia Commons. Colourised here by Sanna Dullaway

Tiểu sử

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã xuất bản tiểu sử của Thích Quảng Đức ngay sau khi ông qua đời. Cuốn tiểu sử này mô tả cuộc đời của Thích Quảng Đức như một cuộc đười bình thường của một tu sĩ Phật giáo. 2 Năm bảy tuổi, Thích Quảng Đức trở thành chú tiểu trong chùa, hai mươi tuổi ông xuất gia. 3 Sau khi xuất gia, Thích Quảng Đức sau đó đi khắp Việt Nam, đặc biệt là miền Nam Việt Nam, để truyền bá Phật giáo. Trên thực tế, cuốn tiểu sử che đậy cuộc đời của ông, tập trung vào cái chết của ông và tác động của nó vì đó là cái chết đã làm lay động cả thế giới và sau cùng mới đưa cuộc đời lúc sống của ông thành tiêu điểm miêu tả.

Điều mà cuốn tiểu sử không đề cập đến là cái chết của Thích Quảng Đức là một sự kiện đã được lên kế hoạch trước. Đó không phải là một hành động tử vì đạo tự phát mà các bức ảnh của Malcolm Browne dường như đã miêu tả. Theo một nghĩa nào đó, việc hé lộ cái chết của Thích Quảng Đức không tiết lộ gì về cuộc đời của ông mà đúng hơn là về mối quan hệ phức tạp giữa các phóng viên người Mỹ và các nhà sư Phật giáo Việt Nam vào thời điểm đó. Giảm thiểu mối quan hệ này thành sự khai thác một chiều thì cũng  chính là việc hoàn toàn bỏ qua hoàn cảnh vốn tạo tiền đề cho vụ tự thiêu của Thích Quảng Đức.

Trong nhiều tháng, các phóng viên Mỹ như David Halberstam, Neil Sheehan và Malcolm Browne thường lui tới chùa Xá Lợi vì có tin đồn rằng các nhà sư Phật giáo Việt Nam sẽ mổ bụng hoặc tự thiêu công khai để phản đối sự đàn áp tôn giáo của chế độ Diệm. Mục tiêu của các phóng viên Mỹ là chụp ảnh những sự kiện này để bán báo. Halberstam giải thích, “[Đó] là bản chất của cuộc chơi.” 4 Vì vậy, khi Ray Herndon, người lúc đó có vai trò “đang thay thế vai trò” của Neil Sheehan ở Việt Nam, để quên máy ảnh ở nhà vào ngày 11 tháng 6 năm 1963, ông mới biết mình vừa “đánh mất giải Pulitzer” 5 Quả thực đúng lf như thế. Browne đã đoạt giải Pulitzer năm 1964 vì những bức ảnh ông chụp cảnh Thích Quảng Đức tự thiêu.

Các nhà sư Phật giáo Việt Nam đã sử dụng mối quan hệ để phát triển chiến dịch của họ. Họ sử dụng các phóng viên Mỹ để dụ mật vụ ra khỏi chùa bằng cách cung cấp cho cảnh sát thông tin về một địa điểm giả cách xa địa điểm biểu tình. Các nhà sư Phật giáo cũng sử dụng các phóng viên để lên tiếng về cuộc đấu tranh của họ. Đêm trước vụ tự thiêu, Thích Đức Nghiệp, phát ngôn viên chính của Giáo hội Phật giáo Thống nhất, đã gọi cho Malcolm Browne để thông báo về vụ tự thiêu của Thích Quảng Đức. Ngoài ra, Thích Đức Nghiệp và một số nhà sư khác đã dàn dựng toàn bộ kế hoạch. Họ thu sắp xếp xe cộ, tài xế, xăng và chuỗi người đứng nối nhau nhằm ngăn cảnh sát dập tắt ngọn lửa đang cháy trên thi thể Thích Quảng Đức.

Với các phóng viên người Mỹ và các nhà sư Phật giáo Việt Nam sắp đặt sân khấu, thì Thích Quảng Đức đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình. Tuy nhiên, không ai thắc mắc, “Có phải ông chỉ đơn thuần là con tốt trong trò chơi này? Ông ta chết vì cái gì?” Trong một bài thơ để lại cho đệ tử, Thích Quảng Đức bày tỏ ý định tự thiêu của mình là để làm lợi lạc cho Phật tử Việt Nam. Ông  hình dung thân mình bốc cháy như “ngọn đèn soi bóng tối”, dẫn đường cho những kẻ lạc lối đến bến bờ. 6 Khi cơ thể của ông bị đốt cháy, khói, giống như hương thơm của những cây nhang cháy, sẽ mang lại sự bình tĩnh và tạo ra ảnh hưởng lên những người “lờ đi” về sự đàn áp Phật giáo của chế độ Diệm. 7 Thích Quảng Đức tưởng tượng một khi cơ thể ngừng cháy, tro sẽ “lấp đầy khoảng cách bất bình đẳng [tôn giáo]” giữa Phật giáo và Công giáo. 8 Thích Quảng Đức mong rằng tinh thần của ông sẽ tiếp tục giúp đỡ Phật tử bằng cách thức tỉnh những người khác. 9

The car in which Quảng Đức traveled to his self-immolation. Wikipedia Commons

Kinh và Văn bản

Công chúng Mỹ cảm động trước sự tự thiêu của Thích Quảng Đức, nhưng một số không thể chấp nhận hành động này. Trong chuyến bay từ New York đến Stockholm, một phụ nữ Mỹ nói với Thích Nhất Hạnh rằng việc Thích Quảng Đức tự thiêu “đối với cô ấy dường như là hành động của một người không bình thường.” 10 Nói cách khác, cô ấy “coi việc tự thiêu là một hành động dã man, bạo lực và cuồng tín, đòi hỏi một trạng thái mất cân bằng về tinh thần..” 11 Đáp lại, Thích Nhất Hạnh cố gắng giải thích với người phụ nữ rằng trong cái năm ông sống với Thích Quảng Đức, ông “thấy ông [Thích Quảng Đức] là một người rất tốt bụng và minh mẫn, và rằng ông rất bình tĩnh và hoàn toàn kiểm soát được các khả năng tinh thần của mình khi ông tự thiêu.” 12 Người phụ nữ không tin Thích Nhật Hạnh.

Trên thực tế, hành động tự thiêu có nguồn gốc tôn giáo từ nghi lễ xuất gia như được thực hành trong truyền thống Đại thừa. Trong buổi lễ, Thích Nhất Hạnh giải thích, “ứng cử viên tu sĩ phải đốt một hoặc nhiều đốm nhỏ trên cơ thể của mình để phát nguyện tuân theo 250 giới luật của một vị khất sĩ, để sống cuộc đời của một nhà sư, để đạt được giác ngộ và cống hiến cuộc đời mình để cứu độ tất cả chúng sinh.” 13 Và việc đọc lời phát nguyện trước tăng đoàn trong khi trải qua loại đau đớn này cho thấy “sự nghiêm túc” của “trái tim và khối óc” của ứng cử viên xuất gia.” 14

Hành động tự thiêu cũng có thể bắt nguồn từ Kinh Pháp Hoa, “một trong những kinh quan trọng và có ảnh hưởng nhất trong tất cả các kinh hay thánh thư của Phật giáo Đại thừa.” 15 Trong phẩm “Việc trước của Bồ tát Dược Vương,” Đức Phật kể chuyện Bồ tát Được Chúng Sanh Hoan Hỉ Chiêm bái, đã cúng dường thân thể của mình cho Đức Phật Nhật Nguyệt Thanh Tịnh Minh Đức vì Ngài cảm thấy rằng tất cả những sự cúng dường mà Ngài đã thực hiện là “không bằng cúng dường … chính thân [của mình].” 16

Đối với những người thực hành tự thiêu, Kinh Pháp Hoa hứa hẹn những lợi ích kỳ diệu. Theo chương “Việc trước của Bồ Tát Dược Vương,” Kinh Pháp Hoa không chỉ “có thể cứu độ tất cả chúng sinh” mà còn “có thể khiến tất cả chúng sinh thoát khỏi khổ não và phiền não..” 17 Để mô tả tác động của nó, kinh này so sánh nó với “việc một người nào đó trong bóng tối tìm thấy một ngọn đèn, một thương gia du hành tìm đường ra biển… [và] một ngọn đuốc xua tan bóng tối.” 18

Tương tự, Thích Quảng Đức hy vọng rằng việc tự thiêu của ông sẽ có tác động tương tự như được mô tả trong Kinh Pháp Hoa. Chẳng hạn, trong một bài thơ để lại, Hòa thượng Thích Quảng Đức viết rằng ông muốn dùng tấm thân cháy bỏng của mình làm “ngọn đèn soi vào bóng tối” để dẫn dắt những kẻ lạc lối đến bến bờ. 19 Và khi thân Ngài cháy, làn khói như hương thơm của nhang đốt sẽ “đánh thức” những ai “không biết” trước sự đàn áp Phật giáo của chế độ Diệm. 20 Thích Quảng Đức tưởng tượng một khi cơ thể ngừng cháy, tro sẽ “lấp đầy khoảng trống của sự bất bình đẳng [tôn giáo].” 21 Kết thúc quá trình thiêu xác này, Thích Quảng Đức mong rằng hương linh của ông sẽ tiếp tục giúp Phật tử thức tỉnh những người khác. 22

Thích Quảng Đức không có ý định tự thiêu như một hành động chính trị chống lại chế độ Diệm, như các phóng viên Mỹ hay các nhà lãnh đạo Phật giáo đã tuyên bố, mà là một màn trình diễn Kinh Pháp Hoa để giúp đỡ Phật tử Việt Nam. Nói cách khác, Thích Quảng Đức đã diễn Kinh Pháp Hoa bằng cách tự thiêu để giải thoát Phật tử Việt Nam khỏi khổ đau.

Tưởng nhớ trong Phần bổ sung

Năm 1966, ba năm sau khi Thích Quảng Đức tự thiêu, nhà sách Chi Lăng ở Sài Gòn đã xuất bản một phiên bản đặc biệt của Thích Ca Lược Sử (Cuộc Đời Đức Phật). Thay vì in hình Đức Phật nổi bật trên trang bìa, cuốn sách có hình Thích Quảng Đức đang ngồi thiền trước hình ảnh của Đức Phật. Màu vàng nghệ của chiếc áo cà sa của Thích Quảng Đức và màu của hình ảnh Đức Phật ngụ ý một mối liên hệ giữa hai điều này. Tuy nhiên, phần thú vị nhất của cuốn sách là nó bao gồm phần bổ sung về vụ tự thiêu của Thích Quảng Đức, ngụ ý rằng hành động này là một phần của lịch sử Phật giáo nói chung.

Bìa cuốn Thích Ca lược sử (Bức tranh thuộc sở hữu của tác giả)

Năm 1966 là năm then chốt của Phong Trào Đấu Tranh Phật Giáo. Phong trào đã góp phần lật đổ chế độ Diệm vào tháng 11 năm 1963 và trở thành một lực lượng đáng gờm. Khi Phong trào đấu tranh Phật giáo phát triển mạnh mẽ, tự sự về mục tiêu của phong trào đấu tranh này bắt đầu ngày càng ra xa khỏi bối cảnh tôn giáo của nó. Theo một nghĩa nào đó, tôn giáo và chính trị không thể cùng tồn tại. Cuối cùng, các tướng lĩnh của Việt Nam Cộng hòa coi phong trào này là chính trị và đàn áp nó bằng vũ lực với việc Thích Trí Quang bị quản thúc tại gia và Thích Nhất Hạnh bị lưu đày. 23

Năm 2010, gần 50 năm sau, đáng lẽ là nên sớm hơn, chính phủ Việt Nam đã mở khu tưởng niệm Thích Quảng Đức tại góc nơi ông đã tự thiêu. Một lần nữa, vụ tự thiêu của Thích Quảng Đức đóng vai trò của một sự thêm thắt mang lịch sử. Nhưng lần này, mục đích của sự thêm đó là trói buộc Phong trào đấu tranh của Phật giáo vào phiên bản lịch sử Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc cộng sản.


Google Maps Street View of commemoration sites

Ở trung tâm của khu tưởng niệm là một bức tượng Thích Quảng Đức bằng đồng chìm trong ngọn lửa. Khuôn mặt của bức tượng bình tĩnh trong khi lửa cuộn quanh cơ thể. Và ở phía sau bức tượng có một bức bích họa dài, một phía mô tả những người lính của Quân đội Việt Nam Cộng hòa đánh đập các Phật tử và phía còn lại là hình ảnh các nhà sư Phật giáo đứng và cầu nguyện trong sự đồng lòng, đoàn kết với những người lính Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Tấm biển phía trước khu tưởng niệm ghi tiểu sử của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Nhưng tấm biển cũng nói rõ rằng thành phố đã xây dựng địa điểm để tưởng nhớ sự hy sinh và đóng góp của Thích Quảng Đức đối với “đạo pháp, hòa bình, độc lập dân tộc và thống nhất.”

Nhưng bên kia đường, một khu tưởng niệm nhỏ hơn dành cho Thích Quảng Đức được xây dựng vào năm 1967 bởi Giáo hội Phật giáo Thống nhất, khu tưởng niệm này vẫn đứng đó gần như bất chấp. Địa điểm này không có bất kỳ tấm biển nào. Ba dấu ấn lịch sử quan trọng mà địa điểm này có được là năm sinh của Thích Quảng Đức, năm ông xuất gia và năm ông tự thiêu. Địa điểm này viết: “vì Phật giáo, ông đã tự thiêu.”

Hoang Ngo
Workforce Development Council of Seattle – King County

Reference

Dialogue (The Rev) Thich Nhat Hanh, Ho Huu Tuong, Tam Ich,Bui Giang, Pham Cong Thien Addressing to (The Rev) Martin Luther King, Jean Paul Sartre, André Malraux, René Char, Henry Miller. Saigon: La Boi, 1965.

Halberstam, David. “DIEM ASKS PEACE IN RELIGION CRISIS; But Buddhists Still Protest Dispute Seems Worse No Easing in Dispute Demonstration Defies Ban.” New York Times, June 12, 1963.

Lê Mạnh Thát, ed. Bồ Tát Quảng Đức: Ngọn Lửa và Trái Tim. [Ho Chi Minh City]: NXB. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2005.

Nhất Hạnh. Vietnam: Lotus in a Sea of Fire. 1st ed. New York: Hill and Wang, 1967.

Prochnau, William W. Once Upon a Distant War. 1st ed. New York, N.Y: Times Books, 1995.

Quốc Tuệ, ed. Công Cuộc Tranh Đấu Của Phật Giáo Việt Nam: Từ Phật Đản Đến Cách Mạng 1963. [Saigon]: the Author, 1964.

Schecter, Jerrold L. The New Face of Buddha; Buddhism and Political Power in Southeast Asia. New York: Coward-McCann, 1967.

Thích Thiện Ngộ. Thích-Ca Lược Sử: Phụ-Thích A-Di-Đà – Tóm Lược Bảy Vị Bồ Tát Phụ-Bản Thích Quảng Đức. Saigon: Quán Sách Chi Lăng, 1966.

Watson, Burton, trans. The Lotus Sutra. Translations from the Asian Classics. New York: Columbia University Press, 1993.

Notes:

  1. David Halberstam, “DIEM ASKS PEACE IN RELIGION CRISIS; But Buddhists Still Protest Dispute Seems Worse No Easing in Dispute Demonstration Defies Ban,” New York Times, June 12, 1963, 3.
  2. Xem Lê Mạnh Thát, ed., Bồ Tát Quảng Đức: Ngọn Lửa và Trái Tim ([Ho Chi Minh City]: NXB. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2005).
  3. Ngày sinh của Thích Quảng Đức không rõ ràng. Trong một vài ấn phẩm như Thích Thiện Ngộ, Thích-Ca Lược Sử: Phụ-Thích A-Di-Đà – Tóm Lược Bảy Vị Bồ Tát Phụ-Bản Thích Quảng Đức (Saigon: Quán Sách Chi Lăng, 1966), 248., ông sinh năm 1890. Trong ấn phẩm khác, ông sinh năm 1897.
  4. William W Prochnau, Once Upon a Distant War, 1st ed (New York, N.Y: Times Books, 1995), 320.
  5. Prochnau, 316.
  6. Quốc Tuệ, ed., Công Cuộc Tranh Đấu Của Phật Giáo Việt Nam: Từ Phật Đản Đến Cách Mạng 1963 ([Saigon]: the Author, 1964), 113.
  7. Quốc Tuệ, 113.
  8. Quốc Tuệ, 113.
  9. Quốc Tuệ, 113.
  10. Nhất Hạnh, Vietnam: Lotus in a Sea of Fire, 1st ed. (New York: Hill and Wang, 1967), 1.
  11. Nhất Hạnh, 1.
  12. Nhất Hạnh, 1.
  13. Dialogue (The Rev) Thich Nhat Hanh, Ho Huu Tuong, Tam Ich, Bui Giang, Pham Cong Thien Addressing to (The Rev) Martin Luther King, Jean Paul Sartre, André Malraux, René Char, Henry Miller (Saigon: La Boi, 1965), 14.
  14. Dialogue, 14.
  15. Burton Watson, trans., The Lotus Sutra, Translations from the Asian Classics (New York: Columbia University Press, 1993), ix.
  16. Watson, 282.
  17. Watson, 286.
  18. Watson, 286.
  19. Quốc Tuệ, Công Cuộc Tranh-Đá̂u Của Phật-Giáo Việt-Nam, 113.
  20. Quốc Tuệ, 113.
  21. Quốc Tuệ, 113.
  22. Quốc Tuệ, 113.
  23. Xem Jerrold L Schecter, The New Face of Buddha; Buddhism and Political Power in Southeast Asia (New York: Coward-McCann, 1967).
Exit mobile version