Site icon Kyoto Review of Southeast Asia

Những Phương thức của Phong trào Xuyên Quốc gia Salafi ở Đông Nam Á

Các văn bản chính sách và các miêu tả mang tính báo chí thường xem chủ nghĩa Salafi ở Đông Nam Á là điển hình về chủ nghĩa cực đoan và là con ngựa thành Trojacủa “chủ nghĩa đế quốc Saudi”. Những miêu tả ấy gây ấn tượng rằng các nhóm Salafi tồn tại được chỉ là nhờ tài trợ từ Riyadh. Trong bài viết này, tôi dự định phác nên một bức tranh rõ nét hơn về những cách thức người Salafi trong khu vực kết nối với thế giới bên ngoài, đặc biệt với vùng Vịnh Arab. Tôi sẽ trình bày hai nghiên cứu trường hợp về chủ nghĩa Salafi ở Indonesia và Malaysia. Tôi sẽ chỉ ra bối cảnh chính trị xã hội có thể định hình như thế nào các phương thức kết nối mạng lưới xuyên quốc gia của phong trào này.

Ở đây, chủ nghĩa Salafi được hiểu là một phong trào cải đạo muốn thay đổi bản sắc tôn giáo của những người Hồi giáo khác. Người Salafi dự định bắt chước các thực hành và đạo đức tôn giáo của ba thế hệ Hồi giáo đầu tiên (al-salaf al-salih–những tổ tiên đích thực), và để làm điều này họ chấp nhận cách hiểu đúng từng câu chữ trong Thánh kinh. Mục tiêu cao cả của chủ nghĩa Salafi là làm cho những người Hồi giáo khác chấp nhận rằng chủ nghĩa này là phiên bản Hồi giáo chính thống mà những cách diễn giải khác đều bị coi là sự xuyên tạc đối với hình thái thuần khiết của tôn giáo. Về mặt quan niệm, các nhóm này tách biệt với chủ nghĩa cải cách Hồi giáo vốn khẳng định cái danh hiệu của chủ nghĩa Salafi và có gốc rễ sâu trong khu vực.

 Indonesia

Dòng tài chính từ vùng Vịnh và các hoạt động từ thiện Hồi giáo xuyên quốc gia đóng vai trò quan trọng trong sự nổi lên của chủ nghĩa Salafi ở Indonesia. Phong trào này giành được chỗ đứng ở Indonesia từ đầu thập niên 1980 khi đất nước đang trải qua cao trào phục sinh Hồi giáo. 1 Các nhóm Salafi đầu tiên là chủ đề quan tâm chính của những sinh viên tốt nghiệp Đại học Hồi giáo Madinah (IUM), ngôi trường cung cấp hào phóng học bổng cho những ai muốn theo đuổi nghiên cứu tôn giáo.

Trong những năm 1980, một phân hiệu của Đại học Saudi mang tên Imam Muhammad bin Sa‘udđược được thành lập ở Jakarta với tên gọi Lembaga Ilmu Pengetahuan Islam dan Arab (LIPIA). Trường Đại học trở thành một cứ điểm quan trọng truyền bá tư tưởng Salafi ở Indonesia. Những người Salafi Indonesia không kiếm được học bổng để đến IUM thì có thể nghiên cứu ở LIPIA và tốt nghiệp tại đây; nơi này, ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Arab và việc giảng dạy tôn giáo chủ yếu dựa trên tư tưởng Salafi.

Một loạt sinh viên tốt nghiệp IUM đã tích lũy được vốn xã hội đáng kể và xây dựng mạng lưới với các tổ chức từ thiện và quỹ tài trợ khi họ theo học ở Saudi Arabia. Kết quả là, vào đầu thập niên 1990, một loạt cơ quan từ thiện vùng Vịnh đã xuất hiện ở Indonesia và tài trợ chủ yếu cho các nhóm Salafi. Có lẽ quan trọng nhất trong số đó là tổ chức đến từ Kuwait mang tên Jama‘iyyat Ihya’ al-Turath al-Islami (Hội Phục sinh Di sản Hồi giáo, Society for the Revival of Islamic Heritage – SRIH). Tổ chức này thành lập hàng loạt chi nhánh ở Jakarta, hỗ trợ xây dựng các trường nội trú Hồi giáo (pesantren), phần lớn ở Java nhưng cũng có vài trường ở Sumatra, Lombok và Kalimantan. Xung quanh những pesantren đó là một mạng lưới Salafi rộng lớn gọi là mạng “Turathi” có liên hệ với tổ chức tài trợ Kuwait.

Một đặc trưng nổi bật của mạng Turathi là chủ nghĩa thực dụng và tính sẵn sàng thích ứng với nhà nước thế tục. Những trường nội trú ấy không chỉ dạy các môn tôn giáo mà còn cung cấp đầy đủ chương trình dạy của Nhà nước Indonesia. Điều đó mở rộng lời mời gọi của mạng lưới Turathi đến toàn dân. Nhiều người Indonesia không phải Salafi cũng cho con em mình đến học ở đó, vì họ tin rằng những người Salafi rất am hiểu tiếng Arab và Kinh Qur’an cũng như giỏi về nghiên cứu hadith (nghiên cứu về các thuyết giảng của Nhà Tiên tri Mohammad). Kết quả, con em họ sẽ nhận được một nền học vấn tôn giáo tốt, đồng thời, vì chúng cũng theo học chương trình Nhà nước, nên có cơ hội tiếp tục lên đại học. 2

Người Salafi Turathi chọn thích nghi với Nhà nước hơn là cô lập trong những hoạt động phụng vụ khác. Chẳng hạn, họ thường hợp tác với chính quyền thành phố tổ chức lớp học về phòng chống khủng bố cho thanh thiếu niên, giúp cảnh sát phát hiện các chi bộ thánh chiến. Ustaz Arif Syarifuddin, một thành viên cao cấp của mạng lưới Turathi ở Cirebon giải thích với tôi, chủ nghĩa Salafi dạy về sự cần thiết phải tuân phục và giúp nhà chức trách nếu họ là người Hồi giáo. Vì Tổng thống Indonesia là người Hồi giáo nên người Hồi giáo có nghĩa vụ ủng hộ và hỗ trợ ông ấy.

Quan hệ tốt đẹp của mạng lưới Turathi với nhà chức trách bảo đảm cho họ một sự tự trị tương đối để theo đuổi hoạt động truyền đạo (da‘wa) và duy trì mạng lưới xuyên quốc gia rộng khắp của mình. Chẳng hạn, ít nhất mỗi năm các vị thầy cả (shaykhs) Salafi từ Kuwait và Saudi Arabia đến Indonesia giảng đạo và thăm các trường nội trú của mạng lưới Turathi từ Batam đến Lombok. 

Một mạng lưới Salafi khác nổi lên ở Makassar vùng Nam Sulawesi mang tên Wahdah Islamiyah (Thống nhất Hồi giáo, Islamic Unity – WI). Mạng lưới này xuất phát từ tổ chức Muhammadiya hiện đại cuối thập niên 1980 khi Tổng thống Suharto buộc mọi tổ chức Hồi giáo phải chấp nhận Pancasila là nguyên tắc nền tảng. Đối với một loạt thành viên trẻ của Muhammadiya, điều này không thể chấp nhận được. Nó dẫn đến sự phân ly nội bộ tổ chức và hình thành nên một nhóm mới mang tên Yayasan Fathul Muin (Fathul Muin Endowment), sau đó trở thành mạng lưới Thống nhất Hồi giáo – WI.

WI từng bước chuyển sang hướng Salafi khi nhiều thành viên của nó đi tu tập ở Saudi Arabia. Mạng lưới lúc đầu cũng nhận được tài trợ từ SRIH, sau đó là từ một số nhà tài trợ Saudi và Quỹ Từ thiện Qatari Shaykh Eid (SACF). 3 WI khác với mạng lưới Turathi về một vài khía cạnh. Không như mạng Turathi, WI có một cấu trúc tổ chức chính thức với một thang bậc lãnh đạo và một cơ chế ra quyết định kiểm soát các dự án từ thiện và các trường nội trú hoạt động trên cả nước. WI cũng phối kết hợp với các trường đại học ở đó nó tổ chức những chương trình và nhóm nghiên cứu cho sinh viên. Một đặc điểm nổi bật khác của WI là nó tham dự vào chính trị nghị trường. Không đề cử ứng viên, song WI thường tập hợp cử tri để đổi lấy sự hỗ trợ vật chất từ các chính khách cấp cao.

Mặc dù duy trì một cấu trúc định chế chặt chẽ, WI vẫn giữ một vẻ ngoài mang tính thảo luận tham gia của chủ nghĩa Salafi. Để chính đáng hóa tính tích cực dấn thân của mình, tổ chức này sẵn sàng trích dẫn Saud Salafi ’ulama’, những người không cho rằng tham gia chính trị và thành lập các tổ chức là điều xa lạ với Hồi giáo. 4

Trong khi nguồn tài trợ từ vùng Vịnh là thiết yếu đối với sự hình thành chủ nghĩa Salafi ở Indonesia, ngày nay khó mà cho rằng nguồn vật chất của phong trào là từ bán đảo Arab. Chẳng hạn, các trường nội trú của mạng lưới Turathi không nhận được hỗ trợ tài chính đều đặn từ SRIH, mà duy trì hoạt động từ học phí. WI cũng kiếm tài trợ từ trong nước nhiều hơn từ nước ngoài.

Cộng đồng Salafi quan trọng thứ ba ở Indonesia có nguyên tắc không nhận bất kỳ tài trợ từ thiện nào. Din Wahid đặt tên mạng lưới này là “những người từ chối” (rejectionist) vì họ từ chối bất kỳ kiểu hợp tác nào với các nhóm Hồi giáo và từ thiện khác. Những người từ chối xem từ thiện là mubtadi, hoặc là những đổi mới gây hại, không được chấp nhận về mặt Hồi giáo (bida‘). Họ cũng từ chối dạy chương trình của Chính phủ trong trường của mình, họ hình thành những cộng đồng biệt lập, hạn chế tối đa tiếp xúc với các thành viên không Salafi trong xã hội.

Những người từ chối có mối liên hệ mật thiết với Trung Đông. Nhiều người trong số họ tu tập ở Yemen với những đồng đạo của Muqbil al-Wadi‘ hoặc trở thành học trò của tông phái Shaykh Muqbil’. Nhưng họ không nhận bất kỳ học bổng nào của nước ngoài. Mà cộng đồng ở nhà quyên góp tiền cho sinh viên của họ để du học ở Yemen (bên đó sẽ miễn học phí và cấp chỗ ở). Một biểu hiện khác thể hiện mối liên hệ xuyên quốc gia là các học giả Yemen thuyết giảng qua skype ở các thánh đường. 5

Malaysia

Ở Malaysia, liên hệ xuyên quốc gia cũng đóng một vai trò thiết yếu trong sự tiến hóa của chủ nghĩa Salafi, nhưng theo một cách khác do bối cảnh chính trị xã hội đặc thù của nước này. Từ thiện và cứu trợ gần như không có vai trò gì trong việc lan truyền tư tưởng Salafi.

Chủ nghĩa Salafi ở Malaysia nảy sinh từ cộng đồng cải cách Hồi giáo hay Kaum Muda hình thành vào đầu thế kỷ XX trong các khu dân cư eo biển và bang Perlis phía Bắc. Trong thập niên 1980, một số nhà cải cách Hồi giáo chuyển sang việc diễn giải Kinh thánh chú trọng vào câu chữ sau khi chịu ảnh hưởng của dòng Salafi Saudi và Jordan. Dựa trên nền tảng Kaum Muda đã có, một số người tiên phong của chủ nghĩa Salafi đương đại đã chuyển sang chủ nghĩa Salafi sau khi đi tu tập ở Saudi Arabia vào những năm 1980-1990. Nổi tiếng nhất là Johari Mat, Husain Yee và một người Singapore, Rasul Dhari.

Jordan là một nguồn ảnh hưởng khác ở Malaysia. Không như Saudi Arabia,chủ nghĩa Salafi ở Jordan không được Nhà nước khuyến khích. Nhưng phong trào này nổi bật phần lớn nhờ di sản của Shaykh Nasir al-Din al-Albani và các học trò như Shaykh ‘Ali al-Halabi. Những sinh viên Malaysia theo học tôn giáo và tiếng Arab ở các đại học Jordan đã chấp nhận chủ nghĩa Salafi sau khi tham gia một số nhóm nghiên cứu phi chính thức trong các Thánh đường ở ‘Amman và vài thành phố lớn khác ở Jordan,và tại nhà một số thành viên của phong trào.

Một số người Salafi Malaysia nổi tiếng như Sulaiman Nordin trở nên gắn bó với tư tưởng của phong trào này khi đang học ở Anh. Trong thập niên 1980, chủ nghĩa Salafi đã giành được vị trí có ý nghĩa trong những cộng đồng Hồi giáo ở các thành phố lớn nước Anh. Một số sinh viên Malaysia đã được phong trào truyền cảm hứng sau khi tham gia vào các nhóm Salafi Anh, và tiếp tục truyền đạo sau khi trở về Malaysia.

Người Salafi Malaysia hiếm khi, nếu không nói là chưa từng, làm tác nhân cho các tổ chức từ thiện xuyên quốc gia. Cũng không có mạng lưới rộng lớn các trường học và từ thiện như ở Indonesia. Có lẽ lý do chính của tình trạng này là do sự thù nghịch của bộ máy Nhà nước quản lý tôn giáo (Jabatan Kemajuaan Islam Malaysia – JAKIM) cũng như của nền quân chủ ở những bang khác nhau đối với chủ nghĩa Salafi. JAKIM chủ định đồng nhất hóa Hồi giáo và đấu tranh cho sự thống trị tuyệt đối của dòng Shafi‘i madhab. Các hoàng tộc thường là những người ủng hộ các trường phái tư tưởng trái với chủ nghĩa Salafi. Chẳng hạn, Vương quốc Perak được xem là nghiêng về chế độ Naqshbandi-Haqqani Sufi. Kết quả, sách Salafi thường bị cấm ở Malaysia. Một số học giả Salafi nổi tiếng như Fathul Bari Mat Yahyabị cấm giảng đạo.

Nhà chức trách cũng gây trở ngại cho các tổ chức từ thiện vùng Vịnh hoạt động ở Malaysia. Chẳng hạn, SRIH cũng có một văn phòng ở Malaysia, nhưng nhân viên ở đó nói với tôi rằng họ đối mặt với vô vàn trở ngại hành chính và ác cảm công khai của các viên chức Nhà nước khi họ muốn mở rộng sự hiện diện của mình trên đất nước.

Kết quả, các mối liên kết xuyên quốc gia của người Salafi Malaysia có thể có đặc trưng là một mạng lưới dày đặc nhưng chủ yếu là mang tính liên cá nhân phi chính thức. Thầy cả (shaykhs) Salafi từ một số nước Trung Đông và châu Âu đến Malaysia với tư cách khách du lịch rồi thực hiện sứ mệnh truyền đạo (da‘wa), thuyết giảng tôn giáo. Ở Johor cũng có những mạng lưới giống như mạng lưới của những người từ chối ở Indonesia với liên kết học thuật sâu rộng với Saudi Arabia và Kuwait. Thầy cả Kuwait nổi tiếng Muhammad al-‘Anjari đã viếng thăm Malaysia để nói chuyện và giảng đạo. Các nhà Salafi Malaysia nổi tiếng như Hussein Yee cũng có mối liên hệ tốt với môi trường Salafi phương Tây. Do nói trôi chảy tiếng Anh, họ hay xuất hiện trên truyền thông quốc tế, như chương trình TV Hòa bình.

Như trên cho thấy các liên hệ xuyên quốc gia với vùng Vịnh đóng vai trò quan trọng trong động thái của chủ nghĩa Salafi cả ở Indonesia và Malaysia, nhưng không có biểu hiện nào của phong trào được xem là những dự án Nhà nước tài trợ từ Saudi Arabia hay các quốc gia vùng Vịnh khác. Trên thực tế, cả ở Malaysia và Indonesia, những người không phải Salafi có lẽ còn hưởng lợi nhiều hơn từ dòng tài chính của các chính phủ và tổ chức tài trợ của các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Các nhóm thuộc dòng chính như Muhammadiyah và Nahdatul Ulama truyền thống có lẽ nhận được tài trợ của Saudi nhiều hơn các nhóm Salafi bởi vì họ sở hữu một cơ sở hạ tầng rộng lớn hơn mà ít nhất về mặt lý thuyết có thể trở thành những công cụ hiệu quả để tăng cường quyền lực mềm của Saudi và Kuwait. Các nhà tài trợ vùng Vịnh khi hỗ trợ cho người Salafi thì đồng thời cũng tài trợ nhiều hơn cho những người không phải Salafi. Chẳng hạn, SACF tiến hành các dự án từ thiện hợp tác với Muhammadiyah và một tổ chức cải cách khác là PERSIS. Tương tự, ở Malaysia, những tổ chức có tài trợ của Saudi như Thanh niên Hồi giáo Thế giới (World Muslim Youth) cũng hướng đến các phong trào Hồi giáo không có liên hệ gì với chủ nghĩa Salafi như Angkatan Belia Islam Malaysia (ABIM).

Zoltan Pall
Nghiên cứu viên
Viện Trung Đông
Đại học Quốc gia Singapore

Tài liệu Tham khảo

Hasan, Noorhaidi. Laskar Jihad: Islam, Militancy and the Quest for Identity in Post-New Order Indonesia. Ithaca, NY: Cornell Southeast Asia Program, 2006.
Wahid, Din. Nurturing the Salafi Manhaj: A Study of Salafi Pesantrens in Indonesia. Utrecht, PhD Thesis submitted to Utrecht University, 2014.

Notes:

  1. Hasan, trang 31-62.
  2. Wahid, trang 161-176.
  3. Wahid, trang 72.
  4. Đó là một số người sáng lập phong trào Saudi Sahwa, chẳng hạn Shaykh Safar al-Hawali.
  5. Quan sát của tác giả ở Ambon, tháng 11/2014.
Exit mobile version