Site icon Kyoto Review of Southeast Asia

Liên minh Ôn hòa-Cấp tiến Nhân danh Hồi giáo: Chủ nghĩa Hồi giáo Bảo thủ ở Indonesia và Malaysia

Chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo và bất khoan dung đang nổi lên khắp Đông Nam Á thu hút sự chú ý của truyền thông và giới học giả từ cuối những năm 2000. Ở thủ đô Indonesia, Jakarta, những cuộc biểu tình lớn lên tới 200.000 người đòi truy tố chính trị gia người Hoa Thiên Chúa giáo, Basuki Tjahaja Purnama (được công luận biết đến với tên “Ahok”), người đang chạy đua trong cuộc bầu cử Thống đốc, đã tạo một bước chuyển biến xấu, gây ra không chỉ sự thất bại trong bầu cử của ông mà còn khiến ông  bị tù giam hai năm. Sự huy động thành công tín đồ đạo Hồi chống lại chính trị gia nổi tiếng – ở địa phương gọi là“Aksi Bela Islam” (Hành động Bảo vệ đạo Hồi) – và âm vang của nó dựa trên bản sắc tôn giáo và bản sắc tộc người của nhân vật đó được công nhận rộng rãi như là một phần của cái xu hướng rộng lớn hơn, cái xu hướng mà các học giả và các bình luận gia gọi là “sự xoay chiều bảo thủ” và “bất khoan dung tôn giáo” đang nổi lên khắp quần đảo trong thập niên qua.

Tôi lập luận rằng sự bất khoan dung tôn giáo chống lại các cộng đồng thiểu số là kết quả của liên minh không chính thức được làm giả giữa giữa giới tinh hoa tôn giáo bảo thủ và các phần tử cấp tiến tôn giáo trong bối cảnh dân chủ hóa chính trị và chính trị hóa bản sắc tôn giáo. Tương phản với các quan điểm thông thường có xu hướng xem tôn giáo là công cụ chính trị cho giới tinh hoa thế tục nhằm theo đuổi quyền lực Nhà nước, quan sát so sánh của tôi cho thấy cái mà các nhà lý thuyết phong trào chính trị gọi là “chứng nhận” của giới quyền uy và tinh hoa tôn giáo là tối quan trọng cho các nhóm cấp tiến bên lề trong sự huy động thành công dân chúng đạo Hồi, trong khi đổ lỗi cho các chính trị gia thế tục và bộ máy Nhà nước đã cho phép tình trạng bất khoan dung tập thể (Tilly and Tarrow 2007). Nhìn từ quan điểm giới tinh hoa tôn giáo truyền thống, liên minh Hồi giáo “sùng đạo” vốn được giả cái danh đạo Hồi chống lại cái mà giới tinh hoa xem là “kẻ thù của Hồi giáo và umma” (cộng đồng Hồi giáo) đó cần được hiểu như là những nỗ lực nhằm vun trồng và củng cố quyền uy tôn giáo và quyền lực chính trị khi đối mặt với sự nổi lên ngày càng gia tăng  – và đe dọa – của các lực lượng tự do thế tục.

Bất khoan dung gôn giáo ở Đông Nam Á đa số Hồi giáo

Khuynh hướng bất khoan dung tôn giáo, đặc biệt những cuộc tấn công của đa số Hồi giáo chống lại thiểu số tôn giáo, đột ngột tăng lên từ giữa thập niên 2000. Ở Indonesia, những cuộc tấn công cực đoan chống lại thiểu số tôn giáo, gồm cả những tông phái đạo Hồi, đã tăng lên khi nền dân chủ đang được củng cố. Theo Freedom House, thứ hạng tự do của Indonesia năm 2016 giảm xuống còn 3 điểm (7 điểm là tự do nhất) do sụt giảm mức dân chủ và tự do, trong khi nước này đã đạt vị thế “phần lớn tự do” (largely free) và thứ hạng tốt hơn trong những năm đầu mới chuyển đổi chế độ. 1 Thêm nữa, ngay cả những nhóm được xem là “ôn hòa” cũng gây ra nhiều hành vi bất khoan dung và bạo lực. Chẳng hạn, hành vi bạo lực chống lại các cộng đồng Ahmadiyah và Shia đặc biệt cao trong các cộng đồng gắn kết với Nahdlahtul Ulama (NU), một tổ chức Hồi giáo truyền thống từ lâu được xem là thuần khiết khoan dung và chấp nhận.

Cũng như vậy ở Malaysia, bất khoan dung tôn giáo gia tăng trông thấy từ năm 2008 khi chế độ độc đoán đảng thống trị đối mặt với phe đối lập mạnh mẽ nhất từ xưa đến nay. Khác với Indonesia, ở đó bất khoan dung tôn giáo có xu hướng thể hiện trong bạo lực, như một loạt cuộc tấn công vào các cộng đồng Ahmadiyah và Shia, bất khoan dung tôn giáo ở Malaysia có xu hướng thể hiện ở tòa án, trên đường phố và trong truyền thông, mặc dù định kỳ cũng có bạo lực quy mô nhỏ.

Nghịch lý là các vụ việc bất khoan dung tôn giáo gia tăng ở Indonesia và Malaysia khi giới tinh hoa thế tục cầm quyền lại cam kết với “Hồi giáo ôn hòa” nhằm chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và bảo vệ hình ảnh quốc gia cũng như các mối quan hệ liên tôn hòa bình(Hoesterey 2017). Tuy nhiên, giới tinh hoa thế tục cầm quyền và các tổ chức Hồi giáo dòng chủ lưu đã không hăng hái thực hiện lời cam kết, dẫn đến tình trạng chủ nghĩa Hồi giáo bảo thủ và cấp tiến trở nên quả quyết và nổi bật hơn trong xã hội dân sự và trong thực hiện chính sách.

Trong những năm 2000 ở cả Indonesia và Malaysia, giới tinh hoa tôn giáo truyền thống tiếp cận được nhiều hơn đến quyền lực và giới chức Nhà nước trong những cấu trúc Nhà nước phần lớn mang tính thế tục. Giới tinh hoa bảo thủ tận dụng các cơ hội và sự bảo trợ của giới thượng lưu thế tục để dấn tới và thực hiện tầm nhìn của họ về luật lệ và xã hội Hồi giáo (Bush 2015, Ichwan 2005, 2013, Hamayotsu 2006, Salim 2007). Những phần tử tinh hoa bảo thủ xâm nhập và thống trị các bộ máy quan liêu và định chế tôn giáo Nhà nước và bán Nhà nước, trong khi cũng làm việc với các nhóm cực đoan mà họ cùng chia sẻ những chương trình nghị sự và mục tiêu tương tự. Sự xuất hiện của họ trong những cấu trúc Nhà nước và quá trình ra chính sách làm suy yếu các định chế và nỗ lực của các nhà lãnh đạo quốc gia và các tổ chức Hồi giáo chủ lưu trong việc thúc đẩy một đạo Hồi ôn hòa và tiến bộ.

Chính trị địa phương, liên minh “Sùng đạo” Hồi giáo và Huy động Chống Thiểu số

Bất khoan dung tôn giáo chống lại tôn giáo thiểu số tăng lên rõ rệt ở Indonesia từ giữa những năm 2000. Trong những nhóm thiểu số trở thành mục tiêu của bạo lực, các cộng đồng Ahmadiyah là nạn nhân rõ rệt nhất, khoảng 65% vụ việc là nhắm vào con người, tài sản và biểu tượng của họ, nhất là ở Tây Java. Bạo lực đối với cộng đồng Shi’a, một nhóm dân cư mục tiêu khác, chỉ hạn chế trong một cộng đồng nhỏ, Sampang, ở Madura, Đông Java, nhưng lại có hậu quả thể chất nghiêm trọng nhất và 165 thành viên của cộng đồng đã phải di tản.

Ở cấp quốc gia, rất đáng kể là vai trò của giới tinh hoa tôn giáo truyền thống, nhất là các ulama chi phối Hội đồng Ulama Indonesia (Indonesian Ulama Council, MUI),và Bộ Tôn giáo trong việc làm gia tăng thù địch giữa các cộng đồng Hồi giáo đa số và thiểu số. Quan chức MUI lợi dụng quyền lực và quyền hạn mà Tổng thống Susilo Banbang Yudhoyono nhiệm kỳ 2004-2014 mới trao cho để đưa ra những yêu cầu và án lệnh (fatwa) chính thức. Quan điểm của họ đánh tín hiệu đến người Hồi giáo đa số trên khắp quần đảo rằng quyền tối cao và tính đoàn kết tôn giáo của họ đang bị đe dọa bởi sự bành trướng và thâm nhập của các thành phần phi Hồi giáo và chống Hồi giáo trong xã hội Indonesia. Khung khổ của những bất an ấy là cảm giác rằng nhiệm kỳ tổng thống của giáo sĩ cực kỳ tự do (ultra-liberal) Abdurrahman Wahid (1999-2001) và bà Megawati Sukarnoputri (2001-2004), Chủ tịch PDI-P, một đảng cầm quyền được nhiều người xem là thân với những người không phải Hồi giáo, đã làm xói mòn chương trình nghị sự của người Hồi giáo ở Indonesia. Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo cũng được cảm nhận là gần gũi với giới thượng lưu người Hoa và Thiên Chúa giáo hơn là với giới tinh hoa Hồi giáo dòng chính.

Chắc chắn các nhóm cực đoan, mà FPI là nổi tiếng nhất, đi đầu trong giọng điệu và hành động đối kháng với tôn giáo thiểu số, và sẵn sàng kích động bạo lực nhân danh Hồi giáo. Nhưng ảnh hưởng của các phần tử cấp tiến ở địa phương phụ thuộc phần lớn vào quan hệ của chúng với giới tinh hoa tôn giáo truyền thống, những người có xu hướng chi phối MUI đầy quyền lực để định hình các chính sách tôn giáo, những người này cũng chi phối các định chế tôn giáo khác mà Bộ Tôn giáo lập ra từ 2005 để thúc đẩy “hòa hợp giữa các tôn giáo”, trong đó quan trọng nhất là Diễn đàn Hòa hợp Tôn giáo (Forum Kerukunan Umat Beragama, FKUB). Ở những vùng mà bất khoan dung tôn giáo nghiêm trọng và dai dẳng hơn như Bogor, Kuningan, và Tasikmalaya, MUI và FKUB đã làm việc mật thiết hơn với FPI và các thành phần cấp tiến khác ở địa phương bằng cách cấp văn phòng hoạt động hoặc cho họ những chức vụ cấp thấp trong các cơ cấu chính thức của bộ máy quản lý hành chính tôn giáo. Liên minh như thế khuyến khích không chỉ bạo lực chống Ahmadiyah ở địa phương mà cả phong trào chống Ahok bùng phát bên ngoài Jakarta. Ngược lại, ở những vùng khác như Cirebon, giới tinh hoa tôn giáo truyền thống chiếm ưu thế ở các văn phòng cao cấp của MUI và FKUB khẳng định cam kết “Hồi giáo ôn hòa” và Pancasila, hệ tư tưởng quốc gia đa tôn giáo Indonesia, đồng thời tích cực bảo vệ thiểu số tôn giáo ở khu vực của mình. Những giới tinh hoa tôn giáo ấy công khai tố cáo phong trào chống Ahok bằng lời lẽ tôn giáo để ngăn cản phần tử cấp tiến và tín đồ đạo Hồi trong khu vực mình tham gia các đám đông ở Jakarta. 

Thousands of the Indonesian muslims congregrated during Eid ul Fitr mass prayer in Istiqlal Mosque, the largest mosque in Southeast Asia, located in Central Jakarta, Indonesia. Photo: Gunawan Kartapranata, Wikipedia Commons

Ở Malaysia, từ năm 2008, các nhóm Hồi giáo và quốc gia chủ nghĩa như Perkasa và ISMA ngày càng quả quyết và gây hấn trong việc huy động cộng đồng Hồi giáo-Malay chống lại thiểu số tôn giáo. Họ tuyên bố “tính ưu việt của đạo Hồi và cộng đồng Hồi giáo đang bị đe dọa” và họ đã sẵn sàng “đổ máu” để bảo vệ phẩm giá của cộng đồng Hồi giáo-Malay. Khi bạo lực bùng phát, mục tiêu trước tiên của các vụ xử án, và đôi khi là các cuộc tấn công của đám đông hay truyền thông, thường là những địa điểm thờ cúng, tài sản và biểu tượng không Hồi giáo. Gần đây hơn, ba linh mục Thiên Chúa giáo đã mất tích. Có suy đoán họ bị bắt cóc vì bị cáo buộc có hoạt động truyền đạo trong cộng đồng Hồi giáo-Malay. 2 Một trong những trường hợp có tính minh họa nhất về bất khoan dung tôn giáo là các vụ xử án và phán quyết liên quan đến việc cộng đồng không phải Hồi giáo sử dụng từ Arab “Allah”, dẫn đến những phản ứng và biểu tình thù địch công khai và đầy kích động ở cộng đồng Hồi giáo và cả trong giới tinh hoa tôn giáo.

Các tổ chức Hồi giáo và Malay cấp tiến như Perkasa thường bị cáo buộc chịu trách nhiệm chính cho tình trạng bạo lực và khích động chống lại các thiểu số tôn giáo và tộc người. Cũng thường có suy đoán là những tổ chức ấy được ủy nhiệm bởi giới thượng lưu UMNO đã phục vụ cho lợi ích chính trị của nó nhằm gieo rắc và duy trì mức ủng hộ bầu cử trong các thành phần Hồi giáo-Malay truyền thống của tổ chức này. Từ quan điểm của giới thượng lưu UMNO, tác dụng chính trị của những người Hồi giáo chủ nghĩa và quốc gia chủ nghĩa tộc người(ethno-nationalists) trở nên có giá hơn vì việc suy giảm ủng hộ đối với liên minh Mặt trận cầm quyền (Barisan Nasional, BN) trước hết là do các thành phần không Hồi giáo ở đô thị không còn ưa thích liên minh nữa. Với tính cách là những nhà lãnh đạo quốc gia được bầu, các chính trị gia UMNO, nhất là Thủ tướng, không thể công khai công kích các cộng đồng không Hồi giáo để duy trì tính chính đáng và sự thống trị của mình trong liên minh và chính phủ đa tộc người. Trong khi đó thì các nhóm cấp tiến lại không hề bị câu thúc bầu cử như thế.

Trong bối cảnh ấy, các hành động quả quyết và khích động chưa từng thấy của giới tinh hoa tôn giáo và Malay truyền thống –và sự chống lưng ngầm của họ đối với những yêu sách và huy động Hồi giáo chủ nghĩa Malay cấp tiến–đóng một vai trò quan trọng trong việc nhồi nhét thái độ đối kháng vào các cộng đồng Hồi giáo-Malay nhằm chống lại những người không theo đạo Hồi, nhất là người Thiên Chúa giáo cũng như những người theo chủ nghĩa tự do. Đối với giới tinh hoa Hồi giáo Malay truyền thống như các sultan, Mufti (chức sắc luật tôn giáo), và các quan chức tôn giáo bang và liên bang khác, phong trào ủng hộ dân chủ mạnh chưa từng thấy vốn được gọi là Bersih từ năm 2007, cùng với những thành công mạnh mẽ trong bầu cử của phe đối lập trong năm 2008 và 2013, đã đe dọa nền tảng định chế và tư tưởng của quyền lực và quyền uy của họ vốn bắt rễ sâu trong chế độ và nhà nước thống trị Hồi giáo-Malay. Khi liên minh giữa các hiệp hội dân sự và chính trị phản đối chế độ trở nên mạnh hơn và yêu sách quả quyết hơn đối với “chủ nghĩa đa nguyên” và “các quyền bình đẳng” cho mọi công dân Malaysia bất kể bản sắc tôn giáo hay tộc người, thì giới tinh hoa tôn giáo và Malay truyền thống cũng càng ra sức bảo vệ đặc quyền và ưu đãi của mình và ưu thế thể chế đối với đức tin và bản sắc của đa số. Thêm nữa, trong giới tinh hoa Hồi giáo và Malay lan tràn cảm giác rằng các đảng chính dựa trên cơ sở Hồi giáo-Malay, UMNO và PAS (Pan-Malaysian Islamic Party), đang ngày càng phụ thuộc vào lợi ích của người không phải Malay để kiếm phiếu bầu, cảm giác này tiếp thêm vào sự hấp dẫn phổ biến của các nhóm Hồi giáo và quốc gia chủ nghĩa cấp tiến cũng như yêu sách của họ “Các quyền Hồi giáo và Malay đang lâm nguy”. Đáng để nhấn mạnh rằng những thành phần tinh hoa nổi bật như cựu Thủ tướng Mahathirvà các cựu chánh án tham gia vào các nhóm cấp tiến bên lề như Perkasa với tính cách là người bảo trợ để đem lại cho những nhóm ấy chứng thư và tính chính đáng mà nếu thiếu những điều này các nhóm ấy không thể có được tính chính danht rong cộng đồng đạo Hồi. Điều quan trọng là, các tuyên bố, phát biểu, các buổi lễ giảng đạo và án lệnh của giới tinh hoa tôn giáo truyền thống đã hỗ trợ cho việc chính đáng hóa những yêu sách và hành động thù địch của các phần tử cấp tiến trên đường phố, trong truyền thông và tòa án, bằng cách đó làm căng thẳng một cách đáng báo động quan hệ liên tôn giáo và làm suy yếu khoan dung tôn giáo.

Kết luận

Cả ở Indonesia và Malaysia, liên minh giữa giới thượng lưu Hồi giáo dòng chính bảo thủ và các phần tử cấp tiến là quan trọng để huy động thành công tín đồ đạo Hồi chống lại các nhóm và cá nhân mà giới giáo sĩ gọi chung là “kẻ thù của đạo Hồi” bất kể họ là “kẻ dị giáo” hay “Thiên chúa giáo”. MUI ban hành văn kiện”Thái độ và Lập trường Tôn giáo” để trừng phạt Ahok vì phát biểu báng bổ, kết quả ông bị đánh bại về pháp lý và bị bắt. Chính là MUI đã hợp tác với FPI, cảnh sát và các tổ chức Hồi giáo khác để tạo nên những liên minh ở Jakarta chống Ahok. Nếu quan chức MUI không chính thức cho phép nhân danh đạo Hồi, thì không thể có sự huy động một số lượng lớn đàn ông, đàn bà, và trẻ em khao khát thể hiện lý cớ chung như vậy, và Ahok không thể sụp đổ nhanh đến thế. Tương tự, giới tinh hoa và quyền uy tôn giáo truyền thống Malaysia đã chấp nhận một cách bất thường các quan điểm đối kháng với thiểu số tôn giáo, đặc biệt là người Thiên chúa giáo, để cấp chứng thực cho hành động gây hấn của các nhóm cấp tiến ngoài lề, vốn đã từng và lại thêm lần nữa, nhân danh bảo vệ đạo Hồi. Trong cả hai trường hợp, liên minh ôn hòa-cấp tiến trước hết bị chi phối bởi cảm giác bất an sâu lắng trong giới tinh hoa tôn giáo về việc nền tảng quyền uy và quyền lực của họ đang rơi vào nguy cơ đối mặt với sự chiếm ưu thế đang gia tăng – và sự đe dọa  — của các quyền lực thế tục và quyền lực tự do.

Kikue Hamayotsu
Phó Giáo sư
Khoa Khoa học Chính trị
Đại học Bắc Illinois

Tài liệu Tham khảo

Bush, Robin. 2015. “Religious politics and minority rights during the Yudhoyono presidency.” In The Yudhoyono Presidency: Indonesia’s Decade of Stability and Stagnation, edited by Edward Aspinall, Marcus Mietzner and Dirk Tomsa, 239-57. Singapore: Institute of Southeast Asian Studies.

Hamayotsu, Kikue. 2006. Demobilizing Islam: Institutionalized Religion and the Politics of Co-optation in Malaysia, Department of Political and Social Change, Australian National University, Canberra.

Hoesterey, James B. 2017. Total Diplomacy, Cash Diplomacy, and the Fate of “Moderate Islam”. Contending Modernities: Exploring how religious and secular forces interact in the modern world, http://contendingmodernities.nd.edu/field-notes/total-diplomacy/.

Ichwan, Moch. Nur. 2005. “Ulama, State and Politics: Majelis Ulama Indonesia after Suharto.” Islamic Law and Society no. 12 (1):45-72.

Ichwan, Moch. Nur. 2013. “Towards a Puritanical Moderate Islam: The Majelis Ulama Indonesia and the Politics of Religious Orthodoxy.” In Contemporary Developments in Indonesian Islam: Explaning the ‘Conservative Turn’ edited by Martin van Bruinessen, 60-104. Singapore: Institute of Southeast Asian Studies.

Salim, Arskal. 2007. “Muslim Politics in Indonesia’s Democratisation: The Religious Majority and the Rights of Minorities in the Post-New Order Era.” In Indonesia Democracy and the Promise of Good Governance, edited by Ross H. McLeod and Andrew MacIntyre, 115-37. Singapore Institute for Southeast Asian Studies

Tilly, Charles, and Sidney Tarrow. 2007. Contentious Politics. Boulder Paradigm Publishers.

Notes:

  1. Freedom House, https://freedomhouse.org/report/freedom-world/2016/indonesia.
  2. Tác giả phỏng vấn các nhà lãnh đạo Thiên Chúa giáo và Hindu ở Selangor và Kuala Lumpur, tháng 6-7/2017.
Exit mobile version