Hai mươi năm sau khi Suharto bị lật đổ vào năm 1998, chính phủ theo kiểu triều đại (dynastic politics) đã trở thành một đặc điểm nổi bật của chính trị ở các địa phương Indonesia. 1 Vào năm 2013, Bộ Nội vụ Indonesia phát hiện ra có ít nhất 60 triều đại chính trị tồn tại trên toàn Indonesia. Mặc dù con số này có vẻ nhỏ so với tổng số quận, thành phố và tỉnh của quốc gia này, độ bao phủ của các triều đại chính trị ở các địa phương càng gia tăng theo thời gian (Djohan 2017). 2 Với sự hiện diện của các chính phủ triều đại, chúng ta nên hiểu chính trị khu vực ở Indonesia hai thập kỷ sau khi kết thúc Trật tự mới như thế nào?
Tôi cho rằng hiện tại chúng ta đang thấy một số dấu hiệu của “chủ nghĩa độc tài khu vực” (Gibson 2013), trong đó nền chính phủ triều đại đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra và duy trì chế độ độc tài này. Mặc dù các dấu hiệu và mức độ độc tài của chủ nghĩa địa phương ở Indonesia không phổ biến như ở một số nước châu Mỹ Latinh, nhưng nếu chúng ta muốn hiểu đầy đủ về chính trị của Indonesia trong thời kỳ hậu Trật tự mới thì việc lờ đi các dấu hiệu của chủ nghĩa độc tài ở những nơi có chính phủ theo kiểu triều đại sẽ là sai lầm.
Do đó, chúng ta cần hiểu về chính trị của Indonesia sâu hơn, vượt lên trên sự phân đôi đơn thuần giữa những người cho rằng Indonesia là một nền dân chủ hợp nhất và những người cho rằng Indonesia là một nền dân chủ bầu cử, trong đó một số ít các đầu sỏ chính trị có thể điều chỉnh bản thân mình cho phù hợp các quy tắc mới của trò chơi để phục vụ cho các lợi ích kinh tế-chính trị của họ. 3 Di chuyển ống kính phân tích của chúng ta từ cấp quốc gia sang cấp địa phương, chúng ta có thể thấy một số dấu hiệu của điều mà Gibson (2013) gọi là “thể chế đặt cạnh nhau” (regime juxtaposition). Thể chế đặt cạnh nhau là một tình huống mà trong đó, ở cấp quốc gia, cuộc cạnh tranh bầu cử diễn ra mạnh mẽ và bất cứ sự vận động ở quy mô lớn nào cũng sẽ tất yếu tạo ra những phản ứng xã hội, chính trị và pháp lí; và ở cấp nhỏ hơn quốc gia (cấp độ địa phương) thì các dấu hiệu của chủ nghĩa độc tài cạnh tranh là rõ ràng, đặc biệt là ở những khu vực tồn tại phổ biến chính phủ triều đại. 4
Giới đặc tuyển ở địa phương thời Suharto
Dưới thời Suharto, chính trị triều đại không tồn tại ở cấp độ địa phương, ngoại trừ ở cấp làng. Việc tổ chức nhà nước Indonesia của Trật tự mới đã hạn chế cơ hội độc quyền thế lực ở cấp địa phương một cách chính thức của “những người có thế quyền ở địa phương” (Sidel 2005). Các khu vực không có thẩm quyền đáng kể để bầu lãnh đạo riêng của họ bởi vì các thống đốc, thị trưởng và trưởng huyện – nhiều người trong số đó là các sĩ quan quân sự đương quyền hoặc đã nghỉ hưu — được chính quyền trung ương tại Jakarta bổ nhiệm. Về mặt pháp lí, các nghị viện địa phương (DPRD) có quyền đề cử (các) ứng cử viên cho (các) vị trí điều hành ở địa phương; tuy nhiên, trong thực tế, các quyết định phải được chính phủ trung ương “tư vấn” và chấp thuận. Với những sắp xếp thể chế chính thức và phi chính thức này, không một chính trị gia nào ở cấp địa phương có thể xây dựng một triều đại chính trị.
Tuy nhiên, mặc dù giới tinh hoa ở địa phương không có cơ hội xây dựng các triều đại chính trị, thì tổ chức nhà nước của Trật tự mới đã đem đến một số cơ hội cho giới tinh hoa địa phương xây dựng các cơ sở quyền lực. Sidel (2005) và Hadiz (2011) lưu ý rằng giới tinh hoa với nhiều vị trí khác nhau – các sĩ quan cấp thấp và trung cấp, công chức địa phương cao cấp, các băng đảng địa phương và các doanh nhân địa phương; những người này được hưởng lợi từ các dự án quân sự hoặc các dự án của chính phủ – đã có thể xây dựng các cơ sở chính trị và kinh tế ở ngay trong các thỏa thuận quyền lực tập trung hóa và độc tài của Suharto. Do đó, mặc dù những người có thế lực ở địa phương không thể xây dựng các triều đại chính trị chính thức trong Trật tự mới, các căn cứ chính trị và kinh tế của họ đã giúp họ khởi động sự nghiệp chính trị chính thức của mình và lần lượt thống trị các đấu trường chính trị địa phương (Hadiz 2011), bao gồm cả việc thống trị chính quyền triều đại.
Sự xuất hiện và tồn tại dai dẳng của chính quyền triều đại ở địa phương tại Indonesia thời hậu Suharto
Sự sụp đổ của Suharto vào năm 1998 đã mở đầu một chuỗi các sự kiện chính trị dẫn đến cuộc xung đột kịch liệt trong chính trị Indonesia. Trong thời điểm quan trọng này, các lực lượng chính trị quan trọng đã tạo ra các cơ quan vụ viện mới có ảnh hưởng lâu dài đến các cách vận hành chính trị ở địa phương. Ba yếu tố rất quan trọng trong việc mở đường cho sự xuất hiện và sự tồn tại dai dẳng của chính phủ triều đại ở địa phương là: 1) phi trung tâm hóa; 2) dân chủ hóa ở cấp địa phương – đặc biệt là hệ thống bầu cử trực tiếp ở địa phương (Pemilukada); và 3) bảo đảm các quyền chính trị, quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật, và quyền không phải chịu bất kỳ sự kì thị đối xử nào. Hai yếu tố đầu tiên đã mở đường cho sự xuất hiện của chính phủ triều đại. Như Hadiz (2011) khẳng định, sự phi trung tâm hóa và quá trình dân chủ hóa ở địa phương cho phép các chính trị gia tham lam ở địa phương tích lũy quyền lực và tài sản. Trong khi các mối quan hệ về tư tưởng giữa các đảng phái chính trị, chính trị gia và các cử tri đang ngày càng yếu kém, (Mujani và Liddle 2010), một cách để duy trì sự tích lũy đó là hình thành một triều đại chính trị (Buehler 2007). Chính phủ triều đại là một lựa chọn hợp lý cho các chính trị gia, những người mong muốn kéo dài và củng cố quyền hành chính trị của mình ở địa phương. Chính phủ triều đại cho phép những người đương nhiệm ở địa phương đương đầu với vấn đề của luật giới hạn các điều khoản mà nhà chức trách được làm. Chính phủ triều đại cũng có thể hoạt động giống như cơ quan bảo hiểm nhằm giải quyết nguy cơ bị mất vị trí của cả gia đình – vốn cũng là của toàn bộ cơ quan (Chandra 2016). Ngoài ra, chính phủ triều đại giúp các chính trị gia địa phương mở rộng quyền lực của họ vượt ra khỏi các thành trì trong lãnh thổ của mình. Ở những nơi mà các chính trị gia đương nhiệm đều quyết định mở rộng quyền lực tới cơ quan lập pháp địa phương ở cùng một tỉnh/một huyện/một thành phố, thì hình thức chính trị này có thể giúp họ có được sự chấp thuận về mặt pháp lí cho các chương trình nghị sự của mình. Chiếm vị trí trong một cơ quan lập pháp địa phương cũng có thể hữu ích cho các thành viên trong gia đình của người đương nhiệm có thể quy chiếu đến để thăng tiến trong sự nghiệp. Cùng với hai yếu tố đầu tiên, yếu tổ thứ ba — bảo đảm quyền chính trị, quyền bình đẳng trước pháp luật của công dân, và quyền không phải chịu bất kỳ loại phân biệt đối xử nào – đã cho phép chính phủ triều đại ở địa phương tồn tại trong nền chính trị của Indonesia tận 20 năm khi Cuộc cải cách được bắt đầu vào năm 1998. Trong năm 2015, đáp lại đệ trình của một chính trị gia kiểu triều đại về kết quả đánh giá tư pháp, Tòa án Hiến pháp Indonesia (MK) đã hủy bỏ điều khoản chống lại chính phủ triều đại trong Luật 8/2015 về Sửa đổi Luật 1/2015, luật Quy định của Chính phủ trong Luật 1/2014 về Bầu cử ở Địa phương, bởi vì, theo Tòa án, điều khoản đặt ra một rào cản trong hiến pháp đối với quyền được tiếp cận của một số công dân nhất định chỉ vì họ có mối quan hệ gia đình với người đương nhiệm (Parlina 2015). Phán quyết của Tòa án đã củng cơ sở pháp lý cho các chính trị gia trong việc tạo dựng các triều đại chính trị của họ. Quyết định đó đã đặt Tòa án Hiến pháp Indonesia và các chính trị gia kiểu triều đại trong một mối quan hệ đặc biệt: Tòa án Hiến pháp Indonesia có tiếng là người bảo vệ nền dân chủ của Indonesia; nhưng các chính trị gia triều đại đã đảo lộn mục tiêu ban đầu của Tòa án Hiến pháp Indonesia – tức là đảm bảo nền hiến pháp dân chủ của Indonesia – để bảo vệ lợi ích chính trị của các đại gia đình, những triều đại có thể ngăn chặn sự tham gia chính trường của những người đặc tuyển ưu tú ở địa phương và làm suy yếu chất lượng của nền dân chủ ở địa phương.
Chính phủ triều đại ở địa phương và các dấu hiệu của chủ nghĩa độc tài
Sự xuất hiện và tồn tại dai dẳng của các chính phủ triều đại ở địa phương tại Indonesia cho thấy một số dấu hiệu của chủ nghĩa độc tài ở các cấp trực thuộc quốc gia. Ở một mức độ hạn chế hơn so với các triều đại chính trị ở châu Mỹ Latinh và Philippines, các chính trị gia triều đại Indonesia cố gắng kiểm soát mức độ cạnh tranh ở địa phương bằng cách triển khai “thực đơn điều hành” (Schedler 2002). Thực đơn này bao gồm: mua phiếu, đe dọa chống lại cử tri và/ hoặc đối thủ, độc quyền sự ủng hộ của các đảng chính trị, huy động các quan chức hành chính, kiểm soát phương tiện truyền thông địa phương, gian lận lá phiếu và nhiều phương pháp khác; các phương pháp này nằm ở khu vực mờ xám giữa hợp pháp và bất hợp pháp. Do đó, sân chơi cử tri trở nên nghiêng hẳn về lợi thế của các chính trị gia triều đại và không còn bình đẳng nữa.
Trong nhiều cuộc cạnh tranh bầu cử ở địa phương có liên quan đến các chính trị gia triều đại, dấu hiệu “thực đơn điều hành” của những người đương nhiệm nhằm hỗ trợ các thành viên trong gia đình của họ trở nên hiển lộ. Ví dụ như việc thống đốc Banten tích cực tham gia vào các cuộc bầu cử ở Pandeglang (2010), Nam Tangerang (2010), và thành phố Serang (2013) —ở những nơi này, các thành viên trong gia đình Banten tham gia vào các cuộc bầu cử địa phương. Cách thức của cuộc vận động này bao gồm từ việc truyền tải lời hướng dẫn gây hiểu lầm của thống đốc (ở thành phố Serang), đến sự thay đổi rộng khắp và hệ thống về nhân viên văn phòng trong bộ máy hành chính ở địa phương (South Tangerang), đến việc phát tiền cho một số trưởng xóm (Pandeglang). Ở Đông Java, nhiếp chính của Bangkalan bị cáo buộc là đã giúp con trai mình giành chiến thắng trong cuộc bầu cử bằng cách huy động các nhà xuất bản nhà nước tại địa phương, bằng cách lạm dụng các quỹ phúc lợi xã hội của chính quyền địa phương và độc quyền sự ủng hộ của các đảng chính trị. Ngoài ra, các cuộc bầu cử tại Cilegon (2010) và Tây Bandung (2018) cho thấy rằng những người đương nhiệm có thể đã sử dụng quyền lực của mình để tạo ra quỹ bất hợp pháp cho các chiến dịch của các thành viên trong gia đình mình. Những phương pháp nhằm bóp méo các cuộc bầu cử như vậy cũng có thể thấy ở các khu vực khác, nơi mà các chính trị gia trong cùng một gia đình cạnh tranh trong các cuộc bầu cử địa phương.
Vấn đề là, mặc dù các phương thức vận động kiểu này khá là lộ liễu, việc chứng minh trước tòa Tòa án Hiến pháp rằng các cuộc bầu cử địa phương đã được giàn dựng về mặt cấu trúc, có hệ thống, và rộng khắp, là một việc khó khăn. Trong hầu hết các trường hợp, việc áp dụng “thực đơn điều hành” của các chính trị gia triều đại khá là tinh tế. Hơn nữa, Tòa án thể hiện sự thiếu nhất quán và thiếu minh bạch trong việc xét xem liệu các cuộc bầu cử ở địa phương có bị gian lận hay không (Butt 2013). Năng lực hạn chế và thiếu tận tâm của cơ quan thực thi pháp luật địa phương và các cơ quan liên quan đến bầu cử cũng gây khó khăn trong việc chứng minh các vi phạm bầu cử có tổ chức, có hệ thống và rộng khắp. Trong tình trạng này, các chính trị gia triều đại ở địa phương có thể tiếp tục làm nghiêng đảo sân chơi bầu cử.
Kết luận
Ở cấp độ quốc gia, mặc dù có nhiều thiếu sót liên quan cụ thể đến các quyền tự do dân sự, Indonesia là một quốc gia dân chủ, hoặc ít nhất là một nền dân chủ bầu cử. Ở cấp độ này, mặc dù có một số vấn đề về đăng ký cử tri trong các cuộc bầu toàn quốc trong quá khứ, có thể nói rằng, nói chung, chế độ bầu cử của Indonesia mang tính bao gộp và cạnh tranh. Tuy nhiên, ở cấp địa phương, các chính trị gia triều đại có thể dễ dàng thực hiện một “thực đơn thao tác” để tăng cường sự kiểm soát lãnh thổ của họ. Ở cấp độ này, những người đương nhiệm trong chính quyền triều đại có quyền lực lớn hơn trong việc thao túng sân chơi bầu cử, tạo ra lợi thế cho các thành viên trong gia đình họ. Mâu thuẫn giữa cấp quốc gia và địa phương giống điều mà Gibson (2013) gọi là “thể chế đặt cạnh nhau.”
Chắc chắn, mức độ mà các chính trị gia triều đại Indonesia có thể vận hành sự kiểm soát triệt để nhằm tạo ra một chế độ độc tài ở địa phương không giống với mức độ đó ở các nước châu Mỹ Latinh và Philippines, điều này phản ánh sự khác biệt trong cách cấu trúc thể chế – đặc biệt là các cấu trúc nhà nước liên bang và các cấu trúc nhà nước chuyên chính. Chính quyền trung ương ở Indonesia, thông qua các bộ và cơ quan thực thi pháp luật quốc gia – như Ủy ban Xoá bỏ Tham nhũng (KPK) – có thể hạn chế sự năng động của các chính trị gia kiểu triều đại để mở rộng và tăng cường sự kiểm soát lãnh thổ của mình. Ngoài ra, cơ sở vật chất của các chính trị gia triều đại ở Indonesia khác với các chính trị gia triều đại ở châu Mỹ Latinh hay Philippines, những người này hầu hết là những đầu sỏ chính trị trưởng thành trong gia đình vốn có thế quyền từ thời thuộc địa. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, chúng ta có thể thấy các gia đình chính trị ở địa phương của Indonesia cũng không xây dựng được các triều đại chính trị. Tuy nhiên, những sự khác biệt này không có nghĩa là chúng ta có thể bỏ qua hoàn toàn những dấu hiệu của chủ nghĩa độc tài địa phương ở các khu vực có sự tồn tại của chính phủ triều đại. Làm như vậy có thể làm suy yếu các mục tiêu ban đầu của quá trình dân chủ hóa và quá trình phi tập trung hóa mà những người Indonesia chúng ta đã bắt đầu từ hai mươi năm trước. Hai thập kỷ sau khi Trật tự Mới kết thúc, Indonesia vẫn còn nhiều việc phải làm để cho nền dân chủ hoạt động, ở cấp độ quốc gia, nhưng quan trọng hơn, là ở các cấp độ nhỏ hơn quốc gia.
Yoes C. Kenawas
Sinh viên sau đại học, Chuyên ngành Khoa học chính trị, Đại học Northwestern, Evanston, IL, USA
Tài liệu tham khảo
Buehler, Michael. 2007. “Rise of the Clans.” Indonesia Resources and Information Program (IRIP), Last Modified October 2007, accessed April 2. http://www.insideindonesia.org/rise-of-the-clans.
Butt, Simon. 2013. Indonesian Constitutional Court Decisions in Regional Head Electoral Disputes. In CDI Policy Papers on Political Governance. Canberra, Australia: Centre for Democratic Institutions.
Chandra, Kanchan. 2016. “Democratic Dynasties: State, Party, and Family in Contemporary Indian Politics.” In Democratic Dynasties: State, Party, and Family in Contemporary Indian Politics, edited by Kanchan Chandra, 12-55. Cambridge, UK: Cambridge University Press.
Dal Bó, Ernesto, Pedro Dal Bó, and Jason Snyder. 2009. “Political Dynasties.” The Review of Economic Studies 76 (1):115-142.
Djohan, Djohermansyah. 2017. Pembangunan Politik Indonesia. Jakarta: Institut Otonomi Daerah.
Gibson, Edward L. 2013. Boundary Control: Subnational Authoritarianism in Federal Democracies. Cambridge, MA.: Cambridge University Press.
Hadiz, Vedi R. 2011. Localising Power in Post-Authoritarian Indonesia: A Southeast-Asia Perspective. Singapore: ISEAS Publishing.
Levitsky, Steven, and Lucan A Way. 2010. Competitive authoritarianism: Hybrid regimes after the cold war: Cambridge University Press.
Mujani, Saiful;, and R William Liddle. 2010. “Voters and the New Indonesian Democracy.” In Problems of Democratization in Indonesia: Elections, Institutions, and Society, edited by Edward; Aspinall and Marcus Mietzner, 75-99. Singapore: ISEAS Publishing.
Parlina, Ina. 2015. “Possibility of Local Dynasties After Court Ruling.” The Jakarta Post, Last Modified July 9, 2015, accessed April 20. http://www.thejakartapost.com/news/2015/07/09/possibility-local-dynasties-after-court-ruling.html.
Robison, Richard, and Vedi R Hadiz. 2004. Reorganizing Power in Indonesia: The Politics of Oligarchy in an Age of Markets. New York, NY: Routledge Curzon.
Schedler, Andreas. 2002. “The Menu of Manipulation.” Journal of Democracy 13 (2):36-50.
Sidel, John T. 2005. “Bossism and Democracy in the Philippines, Thailand and Indonesia: Towards an Alternative Framework for the Study of ‘Local Strongmen’.” In Politicising Democracy: The New Local Politics of Democratisation, edited by John Harriss, Kristian Stokke and Olle Tornquist, 51-74. New York, NY: Palgrave Macmillan.
[1] Dynastic politics refers to a mode of political strategy where two or more members of the same family occupy elected office(s) in the same area (Dal Bó, Dal Bó, and Snyder 2009).
[2] Indonesia consists of 542 subnational units. The factual number of political dynasties throughout Indonesia is difficult to obtain because Indonesia lacks an accessible database that records the familial relationship between officeholders and their family members who also occupy elected offices.
[3] See, for example, Robison and Hadiz (2004).
[4] Competitive authoritarianism refers to a regime type where formal democratic institutions exist but the electoral
playing field is seriously manipulated for the advantages of the incumbent (Levitsky and Way 2010).
Notes:
- Dynastic politics refers to a mode of political strategy where two or more members of the same family occupy elected office(s) in the same area (Dal Bó, Dal Bó, and Snyder 2009). ↩
- Indonesia consists of 542 subnational units. The factual number of political dynasties throughout Indonesia is difficult to obtain because Indonesia lacks an accessible database that records the familial relationship between officeholders and their family members who also occupy elected offices. ↩
- See, for example, Robison and Hadiz (2004). ↩
- Competitive authoritarianism refers to a regime type where formal democratic institutions exist but the electoral playing field is seriously manipulated for the advantages of the incumbent (Levitsky and Way 2010). ↩